Bộ TT&TT đặt mục tiêu tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu của Việt Nam

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
13:56 - 18/12/2022
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 18/12 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Bộ cũng công bố năm 2023 sẽ là "Năm dữ liệu số" nhằm  tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu của Việt Nam. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Chuyển đổi số số đã trở thành toàn dân và toàn diện.

Theo đó, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình chuyển đổi số. Các nền tảng số của Việt Nam cũng đã thu hút 500 triệu tài khoản, con số lớn chưa từng có. Các giao dịch về kết nối chia sẻ dữ liệu đang tăng dần. Các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Năm 2022 cũng là năm các doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài. Doanh thu từ nước ngoài về viễn thông của Viettel đạt 3 tỷ USD, FPT đạt 1 tỷ USD về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

"Không bước ra thế giới, không cạnh tranh, chinh phục và có doanh thu từ thị trường nước ngoài, Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp Năm dữ liệu 2023

Với chủ trương 2023 sẽ là năm về dữ liệu số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, tạo dựng và khai thác dữ liệu để sinh ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số. Do đó, Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp Năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu của Việt Nam, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Cụ thể là công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu.

Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung vào các kết quả thực chất. Theo đó, bộ sẽ đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ bưu chính; giải quyết triệt để sim rác và thương mại hóa 5G ; nâng cao tỷ lệ hồ sơ công thực sự được xử lý trực tuyến.

Đồng thời, nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ đặt mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo ra sự cộng hưởng trong nước và lan ra nước ngoài.

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Chuyển đổi số quốc gia, cho biết sang năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về dữ liệu số. Tạo điều kiện để tạo ra các doanh nghiệp kỳ lân nhờ dữ liệu số, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng về sở hữu và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân.

Năm 2023, sau ba năm diễn ra đại dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi "mở cõi".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số và nhất là từ gia công phần mềm sang "Make in Việt Nam".

Doanh thu toàn ngành ước đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2022, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 98.982 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021.

Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021.

Trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%. Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.

Về mảng viễn thông, năm 2022 ước doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021.

Thuê bao điện thoại sử dụng smartphone ước đạt 75,8%, tăng 1,4% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang tính đến tháng 12-2022 ước đạt 74,5%, xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2022 là 75%, tăng 7,5 % so với cùng kỳ năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp