BSR sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị trong ngành về công tác vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Nguồn: BSR. |
Mục tiêu trở thành cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực lọc hóa dầu
Nghị quyết số 5150 do HĐQT BSR ban hành đã chấp thuận kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh 5 năm 2021-2025. Theo đó, BSR đặt mục tiêu phát triển từ 2021-2025 với định hướng trở thành cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực lọc hóa dầu, thúc đẩy việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu tại miền Trung Việt Nam (Dung Quất); Hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng;
Tiếp tục là đơn vị đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và tham gia tích cực trong việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam (COP 26).
Đối với lĩnh vực sản xuất, BSR đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn ổn định, liên tục và hiệu quả ở công suất tối ưu; Đẩy mạnh tối ưu hóa công suất, hiệu suất các sản phẩm có giá trị cao, tổn thất dầu thô và sản phẩm trong quá trình vận chuyển và bơm rót, tiêu hao năng lượng, chi phí; Đa dạng hóa nguồn dầu thô để đảm bảo nguồn cung và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh;
Nghiên cứu phương án chế biến nguyên liệu trung gian và sản xuất các sản phẩm có giá trị tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng giai đoạn như xăng (A-80), dầu DO (L62) và nhiên liệu bay (JetA-K) phục vụ cho quốc phòng, sản phẩm Polypropylene (PP) chủng loại Homo màng như BOPP, IPP, CPP…
Về mục tiêu kinh doanh và dịch vụ, BSR sẽ thực hiện mục tiêu xây dựng và triển khai các phương án kinh doanh để mua dầu thô và phân phối sản phẩm của nhà máy; Cung cấp nhân lực vận hành và bảo dưỡng, dịch vụ đào tạo cho các nhà máy/dự án lọc hóa dầu trong và ngoài nước.
Các chỉ tiêu về sản lượng, tài chính và đầu tư trong kế hoạch 5 năm được BSR đặt ra với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng nhẹ so với các năm trước. Cụ thể:
Về sản lượng sản xuất, tiêu thụ từ 32,2-33,8 triệu tấn.
Về chỉ tiêu tài chính hợp nhất, doanh thu trong 5 năm sẽ phải đạt hơn 557-585.000 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế 23-24.300 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước từ 63-66.600 tỷ đồng.
Tổng tài sản của BSR trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng lên từ 74-77.400 tỷ đồng, với phần vốn chủ sở hữu từ 50-52.900 tỷ đồng. Doanh thu riêng của BSR sẽ đạt từ 556-583.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế với mục tiêu được đề ra từ 24-23.800 tỷ đồng và sẽ nộp ngân sách Nhà nước từ 63-66.500 tỷ đồng.
Đa dạng giải pháp đảm bảo thực hiện kế hoạch 5 năm
Song hành cùng các chỉ tiêu đề ra, BSR cũng thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm từ 2021-2025. Cụ thể, trong việc vận hành sản xuất, BSR sẽ thực hiện không ngừng đổi mới và hoàn thiện hệ thống quản lý, quy trình vận hành sản xuất và đào tạo cán bộ công nhân viên; Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát… Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Triển khai công tác nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp tối ưu hóa về công suất vận hành, hiệu suất sản phẩm…
Về giải pháp kinh doanh và mở rộng thị trường, BSR định hướng thực hiện các giải pháp như: Nâng cao hiệu quả việc đánh giá thông tin dự báo giá dầu thô và sản phẩm, chi phí vận chuyển/bảo hiểm; Thông tin cung - cầu của thị trường trong và ngoài nước; Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn đảm bảo nâng cao hiệu quả bán hàng; Nghiên cứu, đánh giá và chế biến thử nghiệm các loại nguyên liệu mới để không ngừng mở rộng sản phẩm và đối tác.
BSR cũng hướng tới việc tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới, gồm: Kinh doanh dầu thô và các sản phẩm hóa dầu; Cung cấp dịch vụ, bao gồm vận hành và bảo dưỡng, quản lý bảo dưỡng tổng thể, quản lý dự án, quản lý an toàn, QA/QC và đào tạo.
Xây dựng đội ngũ chuyên gia, tiêu chuẩn chức danh, định hướng phát triển và đảm bảo năng lực cho từng vị trí tại BSR. Nguồn: BSR. |
Đối với giải pháp về quản trị, BSR sẽ thường xuyên cập nhật và hoàn thiện hệ thống quản trị, quản trị rủi ro… phù hợp với các quy định mới nhất của pháp luật Việt Nam và chiến lược phát triển của đơn vị. Đặc biệt, thực hiện đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhằm thúc đẩy các định hướng của BSR theo chiến lược phát triển công ty, quản trị rủi ro, mô hình sản xuất thông minh và đảm bảo hiệu quả các nghiệp vụ cốt lõi của doanh nghiệp.
Trong giải pháp về đào tạo và khoa học công nghệ, BSR sẽ thực hiện việc tăng cường và phát huy sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phấn đấu đăng ký và triển khai tối thiểu 1.500 đề tài và/hoặc sáng kiến hợp lý hóa sản xuất trong giai đoạn 2021-2025; Triển khai xây dựng Trung tâm phát triển lọc hóa dầu để tăng cường công tác R&D.
BSR còn đẩy mạnh việc đào tạo chuyên sâu cho các nhân sự và trao đổi kinh nghiệm với các nhà máy trong lĩnh vực lọc hóa dầu trong và ngoài nước; Triển khai đề án Xây dựng đội ngũ chuyên gia, tiêu chuẩn chức danh, định hướng phát triển và đảm bảo năng lực cho từng vị trí cho đơn vị.
Đặc biệt, để hướng đến cam kết tại COP 26, BSR sẽ thường xuyên cập nhật các quy định của luật pháp Việt Nam để có các giải pháp phù hợp đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường; Hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý An toàn - Sức khỏe - Môi trường trong toàn công ty; Kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy định, không ngừng cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động và đảm bảo sức khỏe người lao động mà trong đó đặt trọng tâm là chương trình thẻ SAO (Safety Action Observation).
Bên cạnh đó, BSR cũng thực hiện tăng cường công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, thường xuyên quán triệt các nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng - an ninh; Phối hợp với các cấp chính quyền Trung ương và địa phương, các bộ, ngành thực hiện tốt việc bảo vệ, đảm bảo an ninh cho công trình trọng điểm an ninh quốc gia là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đặc biệt trong giai đoạn nâng cấp mở rộng nhà máy.
Trong một diễn biến liên quan đến nâng cao công tác quản lý và vận hành nhà máy lọc hóa dầu, ngày 15/8 vừa qua, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã ký kết Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác toàn diện (MoU) với CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành và bảo dưỡng của hai nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Việt Nam là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương và Tổng Giám đốc NSRP So Hasegawa ký biên bản ghi nhớ. Nguồn: BSR. |
Theo như biên bản ghi nhớ, hai bên dự định hợp tác chung trong các lĩnh vực tiềm năng, bao gồm nhưng không giới hạn trong việc chia sẻ nguồn lực, trao đổi chuyên môn, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật và bảo dưỡng, hợp tác trong trao đổi nguyên liệu thô và các sản phẩm dầu, cùng nhau tìm hiểu và khám phá các cơ hội phát triển kinh doanh.