Chứng khoán Tiên Phong muốn tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 4.000 tỷ đồng. |
Đến thời điểm hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 với các tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm nay. Điểm chung là hầu hết các doanh nghiệp đều đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ, qua nhiều phương thức.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã ORS) lên phương án phát hành/chào bán thêm 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 4.000 tỷ đồng.
Cụ thể, TPS muốn phát hành thông qua 2 phương án. Một là phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với một trong hai tỷ lệ thực hiện quyền, gồm 100 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) hoặc 200 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1). Giá phát hành dự kiến không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Phương án thứ hai là chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến tối đa 200 triệu cổ phiếu, giá không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc quý 1/2024.
Chứng khoán VIX (mã VIX) muốn phát hành hơn 29,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2022 cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 20:1 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới).
Đồng thời, công ty dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với số lượng hơn 58,2 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 10:1 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới).
Tính chung, tỷ lệ cổ tức và thưởng cổ phiếu là 15%, tương ứng hơn 87,3 triệu cp. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VIX sẽ tăng từ hơn 5.821 tỷ đồng lên gần 6.695 tỷ đồng.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã VCI) dự kiến phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 30%), qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỷ đồng. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2023 là 10-20%. VCSC còn có kế hoạch phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cp, chỉ bằng chưa đến một nửa thị giá hiện tại.
Chứng khoán MB (MBS) muốn phát hành thêm hơn 57 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 3.806 tỷ đồng lên 4.377 tỷ đồng. Trong đó, phần cổ phiếu phát hành để trả cổ tức là 45,6 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu là 11,4 tỷ đồng.
Cụ thể, phương án phát hành để trả cổ tức thực hiện theo quyền 100:12, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 12 cổ phiếu mới. Còn cổ phiếu phát hành để tăng vốn thực hiện theo quyền 100:3, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới.
Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã chứng khoán BSI) muốn tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm gần 15 triệu cổ phiếu, trong đó 9,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 5%), và hơn 5,6 triệu cổ phiếu thường (tỷ lệ 3%). Sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng thêm từ 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng.
Hiện “ngôi vương” vốn điều lệ ngành chứng khoán thuộc về Chứng khoán VPBank (VPBank Securities), sau khi công ty này hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 8.920 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.
Theo sát sau là Chứng khoán SSI (14.911 tỷ đồng) và VNDirect (12.178 tỷ đồng). Đến thời điểm hiện tại, đây là 3 công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô một số ngân hàng tầm trung.
Cuộc đua tăng vốn của 3 công ty này trong năm 2022 cũng khá gay cấn khi đầu năm, VNDirect vươn lên dẫn đầu, giữa năm SSI trở lại ngôi vương và cuối năm, VPBank Securities lại soán ngôi.
Có thể thấy, tăng vốn với các công ty chứng khoán là điều kiện tiên quyết để gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đơn giản, margin được quyết định bởi quy mô vốn công ty, không tăng vốn sẽ không có khả năng cạnh tranh. Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty đó.
Cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán mặc dù đã sôi động từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Về dài hạn, quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh, vì vậy khi VN-Index phục hồi trở lại, cuộc đua này chắc chắn còn gay cấn hơn.