Cuộc họp bộ trưởng đầu tiên của EU được diễn ra tại nước bên ngoài khối. Ảnh: Reuters |
“Chúng tôi đang triệu tập một cuộc họp lịch sử của các ngoại trưởng EU tại Ukraine – quốc gia ứng cử viên và là thành viên tương lai của EU. Chúng tôi ở đây để bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ đối với người dân Ukraine”, ông Josep Borrell – quan chức phụ trách Chính sách Đối ngoại của EU thông báo trên mạng xã hội X, theo Reuters.
Ông Borrell cho biết đây là lần đầu tiên ngoại trưởng 27 nước thành viên tổ chức họp ở một địa điểm bên ngoài lãnh thổ EU. “Tương lai của Ukraine là ở EU”, ông nhấn mạnh.
Quan chức phụ trách Chính sách Đối ngoại của EU Josep Borrell và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu với truyền thông trước cuộc họp nhóm. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông tự hào được chủ trì cuộc họp này. “Đây là một sự kiện lịch sử vì đây là lần đầu tiên cuộc họp được bàn bên ngoài ranh giới hiện tại của EU, nhưng cũng là bên trong biên giới tương lai của khối”, ông nói.
Theo Euractiv, các chủ đề chính trong chương trình nghị sự sẽ bao gồm thảo luận về quá trình kết nạp Ukraine vào EU, tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và tìm cách siết trừng phạt Nga. Bên lề cuộc họp, các ngoại trưởng EU còn gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Reuter bình luận rằng động thái mới của EU diễn ra ngay sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn Chính phủ đóng cửa nhưng không có khoản viện trợ dành cho Ukraine và việc ứng viên thân Nga tại Slovakia giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia.
Trước khi công bố cuộc họp tại Kiev, ông Josep Borrell nói với các phóng viên rằng: “Sự hỗ trợ của chúng tôi (EU) không phụ thuộc vào việc cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào trong những ngày tới và tuần tới”.
“Hãy nhìn xem điều gì sẽ xảy ra ở Mỹ. Nhưng về phía chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và tăng cường sự ủng hộ đối với Ukraine”, ông nói.
Quốc hội Mỹ ngày 1/10 đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn chặn Chính phủ đóng cửa trong vòng 45 ngày (từ ngày 1/10 đến ngày 17/11). Dự luật bao gồm 16 tỷ USD hỗ trợ các nạn nhân thảm họa thiên tai, nhưng không bao gồm viện trợ bổ sung cho Ukraine hay ngân sách cho các thay đổi trong chính sách an ninh biên giới.
Mặc dù vậy, Washington khẳng định sự hỗ trợ chính trị và quân sự vững chắc của nước này dành cho Ukraine không hề suy giảm. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trấn an rằng: “Tôi muốn khẳng định với các đồng minh, với người dân Mỹ và người dân Ukraine rằng mọi người có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ rời đi”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nói với các phóng viên rằng Kiev vẫn tin tưởng vào sự ủng hộ của Washington, đồng thời cho biết nước này đang có các cuộc thảo luận rất sâu sắc với cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.
Mặt khác, Ukraine được cho là có thể “đánh mất” một đồng minh hỗ trợ trong cuộc chiến khi ông Robert Fico - cựu Thủ tướng cánh tả của Slovakia đã giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử ngày 1/10.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Fico đã kêu gọi không viện trợ đạn dược từ kho dự trữ của Slovakia tới Ukraine. “Chúng tôi không thay đổi về việc sẵn sàng giúp đỡ Ukraine theo cách nhân đạo. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ việc tái thiết đất nước. Nhưng các bạn cũng đều biết quan điểm của chúng tôi về về việc trang bị vũ khí cho Ukraine”.
Bình luận về sự kiện này, Ngoại trưởng Ukraine Kuleba khẳng định Kiev tôn trọng lựa chọn của người dân Slovakia và cho biết họ sẽ chưa vội đánh giá tình hình.
"Còn quá sớm để đánh giá việc các cuộc bầu cử này tác động thế nào lên sự ủng hộ dành cho Ukraine. Chúng tôi phải đợi cho tới khi liên minh cầm quyền của Slovakia được thành lập", ông nói.