GS. Soumitra Dutta - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Vương quốc Anh), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, đồng thời là chủ tọa của tọa đàm trong cuộc thảo luận về năng lượng xanh, giao thông xanh |
GS. Soumitra Dutta, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Vương quốc Anh), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, đồng thời là chủ tọa của tọa đàm, lạc quan rằng tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5-10 năm tới.
“Sự phát triển của xe điện, pin lithium và các nguồn năng lượng thay thế khác đã cho phép tạo ra các phương tiện di chuyển xanh thay thế cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nền tảng giao thông mới được hỗ trợ bởi công nghệ số. Do đó, một tương lai về sự đổi mới của các phương tiện giao thông rất đáng mong đợi”, giáo sư của Đại học Oxford dự báo.
Dưới sự chủ trì của GS. Soumitra Dutta, cuộc thảo luận về năng lượng xanh, giao thông xanh diễn ra sôi nổi với sự tham gia của các diễn giả là các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực này như: thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture là các GS. Kostya S. Novoselov, chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm 2010 và GS. Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ); ông Akihisa Kakimoto - thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, nguyên Giám đốc Công nghệ tại Tập đoàn hóa chất Mitsubishi (Nhật Bản); GS. Nguyễn Thục Quyên - đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn hữu cơ và Giáo sư khoa Hóa học & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ.
Phát triển trạm sạc là cốt lõi của giao thông xanh
Chủ nhân giải thưởng Nobel Vật lý 2010 - GS. Sir Kostya S.Novoselov - nhấn mạnh tầm quan trọng của trạm sạc đối với giao thông xanh. GS. Novoselov dự báo 5 năm tới là thời gian bùng nổ của ngành khoa học vật liệu với nhiều loại vật liệu năng lượng mới được sáng chế từ các công nghệ điện phân, công nghệ màng, công nghệ hoá sinh lion…
Sự bùng nổ vật liệu sẽ tạo ra nguồn năng lượng xanh dồi dào, nhưng cũng đặt ra vấn đề về cơ sở hạ tầng.
“Các trạm sạc có theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ hay không, có đáp ứng được công nghệ mới không, công suất pin có đủ lớn không, liệu có thể chế tạo loại pin mới tích hợp với xe điện để đi được hơn 100.000 dặm hay không… Đó lý do tôi cho rằng song song với nghiên cứu vật liệu, sản xuất năng lượng xanh thì ta cần phải nghĩ tới công nghệ tích điện, trạm sạc.
Ta cần đầu tư nhiều hơn vào phần hạ tầng vận chuyển, kết nối năng lượng này để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn”, GS. Novoselov nói.
GS. Kostya S. Novoselov - thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm 2010 nhấn mạnh tầm quan trọng của trạm sạc đối với giao thông xanh |
Liên quan câu chuyện trạm sạc, GS. Daniel Kammen chia sẻ về một dự án mà nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Theo đó, thành phố này đặt mục tiêu trong một năm phải thay thế 33.000 taxi chạy bằng xăng sang xe điện. Mục tiêu này gần như không tưởng khi đòi hỏi hạ tầng phức tạp bao gồm nguồn cung năng lượng, các trạm sạc, hệ thống vận hành trạm sạc cho một số lượng xe khổng lồ.
Tuy nhiên, giấc mơ Thâm Quyến đã hiện thực hoá khi nhóm nghiên cứu đã phát triển công nghệ tích trữ năng lượng hydrogen đảm bảo khả năng lưu trữ lớn và tốc độ nạp nhanh.
Đồng thời, một phần mềm quy hoạch để đưa taxi vào trạm sạc một cách tối ưu được thiết kế và ứng dụng. Phần mềm này cho phép các taxi tìm kiếm trạm sạc và chỗ trống trong trạm sạc bằng ứng dụng trên điện thoại, tiết kiệm tối đa thời gian tìm kiếm chỗ sạc, thời gian sạc pin, góp phần tăng 20% doanh thu.
Tương tự, nhóm nghiên cứu của GS. Daniel Kammen đã thí nghiệm thành công mô hình trạm sạc sử dụng tấm panel điện mặt trời trên mẫu thí nghiệm là chiếc xe VF6 do VinFast tài trợ. Mô hình này có khả năng lưu trữ năng lượng thừa trong giờ thấp điểm và cung ứng nặng lượng dồi dào trong giờ cao điểm, phục vụ một cộng đồng cư dân lớn có thu nhập thấp ở bang California với mức giá phải chăng.
GS. Kammen khẳng định, để phát triển giao thông xanh, các quốc gia như Việt Nam có thể bắt đầu từ mô hình trạm sạc quy mô nhỏ như trên. “Nghĩ lớn từ quy mô nhỏ để thành công”, GS. Kammen nói.
Theo GS. Novoselov, mục tiêu phát triển bền vững hay phát thải bằng 0 vào năm 2050 không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn phụ thuộc vào đầu tư hạ tầng. Làm sao phát triển đủ hệ thống trạm sạc cung ứng cho nhu cầu sử dụng, đồng thời tại một trạm sạc có đủ các loại hình nhiên liệu tương thích với các loại phương tiện giao thông khác nhau là một bài toán cần nghiên cứu, giải quyết.
Tạo cơ hội cho công ty khởi nghiệp để thúc đẩy giao thông xanh
Ông Akihisa Kakimoto - thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, nguyên Giám đốc Công nghệ tại Tập đoàn hóa chất Mitsubishi (Nhật Bản) - cho rằng cần nhìn bức tranh giao thông xanh ở tầm nhìn vĩ mô và dọc theo chuỗi giá trị để đánh giá được cả chu trình.
Ông Akihisa Kakimoto - thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, nguyên Giám đốc Công nghệ tại Tập đoàn hóa chất Mitsubishi (Nhật Bản) trước thềm diễn ra tọa đàm |
“Sản xuất năng lượng xanh như thế nào, tiết kiệm năng lượng ra sao, phương tiện giao thông cần được thiết kế như thế nào để tương thích với nguồn năng lượng, chất thải sẽ được tái chế bằng cách nào… Và quan trọng nhất là ai chi trả tiền cho toàn bộ quá trình này?”, ông Akihisa Kakimoto đặt vấn đề.
Bài toán giao thông xanh liên quan trực tiếp tới hạ tầng và chi phí. Đây là thách thức của các quốc gia muốn phát triển giao thông xanh.
Ngoài việc thúc đẩy chính sách để tạo ra một khung pháp lý rộng mở cho năng lượng xanh, giao thông xanh, ông Akihisa Kakimoto cho rằng cần một hệ sinh thái hợp lực của các doanh nghiệp tư nhân, trong đó cho phép thế hệ doanh nhân trẻ tham gia sâu vào lĩnh vực này.
“Người trẻ ngày nay nghĩ nhiều hơn về môi trường bền vững. Hãy để giới trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp lớn nên đứng sau đầu tư, tạo một hệ sinh thái đa dạng kênh và phương thức thuận lợi để doanh nghiệp trẻ thoả sức sáng tạo. Cách tiếp cận này sẽ thay đổi toàn diện bức tranh về công nghệ xanh”, ông Kakimoto khẳng định.
Đồng quan điểm, GS. Soumitra Dutta chia sẻ: “Tại trường đại học của chúng tôi thường xuyên tổ chức các diễn đàn sinh viên về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Cần tạo nhiều điều kiện hơn nữa cho các ý tưởng công nghệ đột phá từ giới trẻ của chúng ta”.
Các diễn giả tham gia phiên tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” sáng ngày 19/12 |
Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” là phiên thứ ba trong chuỗi tọa đàm “Khoa học & Cuộc sống”, hướng tới Lễ trao giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture 2023 tổ chức vào 20h10 ngày 20/12/2023.
Chủ đề giải thưởng năm nay là “Chung sức toàn cầu”, phản ánh rõ nét sự khác biệt và tầm nhìn toàn diện của VinFuture so với những giải thưởng quốc tế khác khi đề cao tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu để làm nên những công nghệ đột phá có tác động trên diện rộng.
Năm nay, Giải thưởng VinFuture thu hút 1389 đề cử, tăng gấp 3 lần so với năm đầu tiên (599 đề cử của mùa 1 và 970 đề cử của mùa 2), cho thấy uy tín và tầm vóc của giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho giải thưởng này.
Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture và chuỗi toạ đàm “Khoa học vì cuộc sống” đã trở thành diễn đàn uy tín, đẳng cấp của giới khoa học, công nghệ toàn cầu. Các hoạt động trong Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture quy tụ những tên tuổi nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới cho cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam cơ hội trao đổi, thảo luận về những xu hướng nghiên cứu mới, công nghệ mới đang dẫn dắt sự phát triển và các nhân tố đột phá sẽ thay đổi thế giới.