Cà Mau sở hữu đường bờ biển lớn thứ hai tại Việt Nam (sau tỉnh Khánh Hòa) với 254 km. Ảnh: CTTĐT Cà Mau |
Ngày 29/11, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam tổ chức Diễn đàn "Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL".
Tại sự kiện, ông Trần Duy An - Phó Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, toàn vùng ĐBSCL có hơn 800 khu vực sạt lở, với tổng chiều dài trên 1.000km. Trung bình mỗi năm, khu vực này mất từ 300 - 500ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển. Tốc độ sụt lún trung bình hằng năm toàn ĐBSCL trong giai đoạn này là 1,07cm. Ngoài ra, mùa khô năm 2024, xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Tại tỉnh Cà Mau, địa phương có 254 km đường bờ biển (đứng thứ hai cả nước) nhưng theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, có tới 188 km đường bờ biển (chiếm hơn 70%) trên địa bàn tỉnh bị sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Một trong những nguyên nhân là do nghịch lý về lượng mưa trên địa bàn. Trong đó, vào mùa mưa, Cà Mau có lượng mưa lớn nhất vùng ĐBSCL, lên đến 2.400 mm nhưng vào mùa khô tỉnh cũng là nơi chịu khô hạn nhiều nhất vùng.
Trong bối cảnh trên, ông Lê Thanh Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau như giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý.
Trong đó, vùng cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phi công trình, quy hoạch lại khu dân cư dọc theo tuyến bờ sông, bờ biển bị sạt lở trên cơ sở so sánh chi phí di dời và xây dựng công trình để quyết định cho phù hợp.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: Báo Nông nghiệp |
Đối với xử lý sạt lở bờ sông, ĐBSCL cần thiết lập quy hoạch chỉnh trị tổng thể các sông lớn, sông rạch chính để đảm bảo lợi dụng tổng hợp của các ngành kinh tế có liên quan.
Đối với các giải pháp công trình cứng và giải pháp nuôi bãi, vùng cần có những dự án nghiên cứu thử nghiệm để quan trắc theo dõi và đánh giá hiệu quả. Đồng thời, hoàn chỉnh và thực thi khung pháp lý về quản lý bờ sông, bờ biển; thiết lập và thực thi hành lang bảo vệ bờ, trong đó quy định khoảng lùi hợp lý trong việc xây dựng công trình hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất.
Ông Chương cũng nhấn mạnh, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là giải pháp ưu tiên hàng đầu, vừa thân thiện với môi trường vừa tạo ra đa dạng sinh học cho khu vực ven biển, mang lại sinh kế cho người dân địa phương.
Đối với tỉnh Cà Mau, PGS.TS Tô Văn Thanh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thông tin, Viện đã phối hợp với tỉnh Cà Mau nghiên cứu xây dựng đề án chống sạt lở ven biển. Kinh phí dự kiến để bảo vệ toàn bộ 254km đường bờ biển lên tới khoảng 31.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, Cà Mau đã chủ động huy động các nguồn lực xã hội cũng như ngân sách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 2.000 tỷ đồng (tương đương hơn 6% kinh phí). “Rõ ràng cần nhiều giải pháp nữa để tháo gỡ cho Cà Mau”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét và phê duyệt một đề án riêng cho Cà Mau về vấn đề bảo vệ đê ven biển. Hiện nay Cà Mau mới xử lý được khoảng 78 km đường bờ biển và còn hơn 80 km khác cần xử lý gấp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Tùng kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến cơ chế giao đất giao rừng ở khu vực xung yếu, giúp tỉnh chủ động phương án chống sạt lở bờ biển.
ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 50% thiệt hại về người trong các trận lũ lớn so với giai đoạn 2011 - 2020; hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cơ cấu tổ chức phòng chống thiên tai, phòng chống hạn hán cho diện tích có nguy cơ ở vùng giữa vùng ven biển 530.000 ha thuộc các tiểu vùng ngọt hóa; giảm thiểu tác động xâm nhập mặn cho 600.000 ha khu vực ven biển thuộc vùng dự án thủy lợi; sắp xếp lại, di dời dân cư, phấn đấu hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. |