Mỹ
Theo hãng tin Reuters tổng hợp, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên 22 cá nhân và 104 tổ chức có liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga. Cơ quan này cũng ban hành các biện pháp để ngăn chặn việc Nga lách lệnh trừng phạt và mua các hàng hóa cần thiết cho tổ hợp công nghiệp quân sự của mình.
Cụ thể, các lệnh cấm sẽ nhắm mục tiêu vào mạng lưới mua sắm dịch vụ tình báo Nga có trụ sở tại Liechtenstein, Hà Lan, và mạng lưới mua sắm gắn liền với công ty Radioavtomatika đã bị chính phủ Mỹ cấm vận. Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ ngăn chặn Nga tìm ra những cách mới để đạt được vật liệu, công nghệ và thiết bị quân sự và công nghiệp tiên tiến thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty ở Phần Lan, Estonia và Ba Lan.
Trong nỗ lực hạn chế khả năng khai thác và doanh thu năng lượng trong tương lai của Nga, cơ quan này đã nhắm mục tiêu vào các tổ chức cũng như các viện nghiên cứu liên quan tới ngành năng lượng cũng như các công ty thiết bị khoan và khai thác mỏ.
Các lệnh cấm vận khác liên quan tới lĩnh vực dịch vụ tài chính của Nga và nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc gia này như kiến trúc, sản xuất và xây dựng. Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Liên bang Nga cũng là một mục tiêu được nhắm tới trong các lệnh trừng phạt bổ sung này của Bộ Tài chính Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào gần 200 cá nhân, tổ chức liên quan tới các lĩnh vực kim loại, khai thác mỏ và công nghiệp quân sự. Trong số các công ty Nga chịu lệnh trừng phạt có Polymetal - nhà sản xuất vàng lớn nhất ở quốc gia này.
Reuters trích dẫn Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 19/5 cho biết các biện pháp trừng phạt cũng nhắm vào một mạng lưới quốc tế nhằm mua sắm linh kiện cho những công ty chịu trách nhiệm sản xuất UAV Orlan mà lực lượng Nga và các lực lượng ủy nhiệm đang sử dụng ở Ukraine.
Trong nỗ lực hạn chế năng lực mở rộng sản xuất và xuất khẩu năng lượng của Nga, Washington đã nhắm tới 18 thực thể, trong đó bao gồm các công ty con của Rosatom - công ty năng lượng hạt nhân quốc doanh của Nga. Tuy nhiên, bản thân Rosatom vẫn chưa chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào.
Ngoài ra, cơ quan này cũng áp lệnh trừng phạt lên lực lượng lính đánh thuê Wagner cũng các quan chức chính phủ Nga.
Mỹ công bố các lệnh trừng phạt lên các công ty con của công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom. Tuy nhiên, bản thân công ty này vẫn chưa chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Ảnh: Getty Images |
Kể từ 24/2/2022, chính phủ Mỹ đã tạm dừng xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng sang Nga và tới ngày 19/5/2023, Bộ Thương mại Mỹ bổ sung thêm 69 công ty Nga, một công ty của Armenia và một của Kyrgyzstan vào danh sách đen. Các công ty trải dài trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất phụ tùng và sửa chữa máy bay cho tới sản xuất thuốc súng, máy kéo và ô tô, đóng tàu và trung tâm kỹ thuật.
Nếu thuộc danh sách đen, các nhà cung cấp sẽ bị cấm bán công nghệ của Mỹ cho những công ty chịu trừng phạt này trừ phi có được giấy phép. Các hạn chế mới đối với Nga còn nhắm vào các mặt hàng có thể được sử dụng để hỗ trợ quân đội Nga, bao gồm cả các mặt hàng được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như máy sấy quần áo, máy cày tuyết và máy vắt sữa.
Vương quốc Anh
Ngày 19/5, chính phủ Anh công bố kế hoạch cấm nhập khẩu kim cương, đồng, nhôm và nickel của Nga. Đồng thời, các lệnh cấm cũng nhắm vào các công ty con của công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom và chủ sở hữu Công ty Đồng Nga là ông Igor Altushkin.
Ngoài ra, có 86 cá nhân và tổ chức từ Nga cũng chịu lệnh trừng phạt từ Anh do có liên quan tới vụ việc được quốc gia này gọi là “đánh cắp và bán lại ngũ cốc Ukraine”. Chính phủ Nga đã nhiều lần bác bỏ việc này.
Canada
Theo hãng tin Reuters, Canada ngày 19/5 đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 17 cá nhân và 18 tổ chức có liên quan đến các công ty Nga cung cấp công nghệ và trợ giúp quân sự cho các lực lượng vũ trang của Nga. Các thành viên gia đình của những người nằm trong danh sách trừng phạt cũng sẽ bị nhắm tới.
Quốc gia Bắc Mỹ này cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 30 cá nhân và 8 thực thể liên quan đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Nga trong việc chuyển giao và giám hộ trẻ em Ukraine. Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga trước đây từng nhiều lần phủ nhận việc này và tuyên bố đây là những động thái giúp di tản trẻ em khỏi vùng chiến sự.
Lực lượng đánh thuê Wagner của Nga là một trong những bên chịu các lệnh trừng phạt mới nhất từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Reuters |