Cần có một nhạc trưởng chèo lái 'con tàu' du lịch Việt Nam

Cần có một nhạc trưởng chèo lái 'con tàu' du lịch Việt Nam

DU LỊCH PHỤC HỒI
11:09 - 01/07/2022
Chủ tịch Lux Group Phạm Hà nhận định với Mekong ASEAN rằng, du lịch Việt Nam đang thiếu một chiến lược phát triển chung trong phục hồi dẫn đến sự thiếu đồng bộ giữa các doanh nghiệp. Vì vậy cần một "nhạc trưởng" có thể đưa ra những điều hướng chung cho ngành.

Hai năm vừa qua là thời điểm khó khăn nhất đối với ngành du lịch. Việc Việt Nam mở cửa lại du lịch từ 15/3 đã mang đến kỳ vọng phục hồi và phát triển ngành. Theo Tổng cục thống kê, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365.000 lượt, cao gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19.

Riêng kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 cả nước có khoảng 5 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Thị trường du lịch nội địa đang phục hồi rất nhanh chóng nhưng không thể thay thế được du khách nước ngoài. Dù đã mở cửa nhưng ngành du lịch vẫn đang phát triển một cách mông lung, chưa phát huy được sức mạnh nội lực của ngành. Vì vậy rất cần có một chiến lược chung cho cả hệ thống.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết: Thị trường du lịch của Việt Nam đang có 70% là du khách nội địa, 30% khách nước ngoài. Sự chênh lệch như vậy chủ yếu là do vẫn còn nhiều rào cản với khách quốc tế khi đến Việt Nam, dẫn đến số lượng khách ngoại vẫn chưa được như mong đợi.

Mekong ASEAN: Trong 5 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế vào Việt Nam tăng đáng kể nhưng số lượng vẫn chưa cao? Theo ông, đâu là lý do khiến lượng khách quốc tế chưa đạt được như kỳ vọng?

Doanh nhân Phạm Hà: Khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm nay chủ yếu là khách Tây Âu, Hàn Quốc và một phần từ các nước nội khối ASEAN do việc kết nối, giao thông đi lại giữa các nước đã dễ dàng hơn.

Sau Covid-19 du khách cũng có nhu cầu đi đến những điểm đến gần và dẫu sao trong nội khối cũng có những địa điểm du lịch rất đẹp. Du khách Singapore sang Việt Nam rất nhiều, thậm chí đã có nhiều khách hàng chọn Việt Nam đi du lịch ngay khi chúng ta mở cửa.

Thị trường Malaysia và Thái Lan cũng có nhiều tín hiệu tích cực, lượng khách du lịch sang Việt Nam tăng đáng kể. Chính vì vậy, các nước Đông Nam Á sẽ là thị trường tiềm năng cho phục hồi du lịch Việt Nam.

Sở dĩ, lượng khách quốc tế vào Việt Nam vẫn chưa cao chủ yếu là do hiện nay, vẫn còn một số vướng mắc khiến khách quốc tế gặp khó khăn khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Hay các nước Tây Âu thường được miễn visa trong 15 ngày, tuy nhiên du khách Tây Âu lại thường đi dài và hơn 15 ngày đến 21 ngày. Đồng thời họ cũng sẽ đi du lịch nhiều hơn 1 nước như đi từ Việt sang Campuchia rồi lại quay về Việt Nam. Tuy nhiên, khi quay lại Việt Nam, họ phải tiếp tục xin visa, điều này cũng khá gây cản trở cho du khách. Chúng ta có thể cấp visa vào ra nhiều lần trong 1 tháng để giúp du khách di chuyển đến các điểm đến dễ dàng hơn.

Mekong ASEAN:Ông có kỳ vọng gì vào những tháng cao điểm du lịch hè này?

Doanh nhân Phạm Hà: Trong những tháng cao điểm du lịch hè, Lux Group đặt mục tiêu kinh doanh bằng 50% doanh thu so với trước Covid-19, nguồn thu chính cho mục tiêu này sẽ từ các hoạt động du lịch nội địa, du thuyền, vận tải. Công ty cũng kỳ vọng doanh thu từ khách quốc tế sẽ đạt 50% so với trước năm 2019.

Mùa hè này Lux Group sẽ tập trung nhiều vào lượng khách cao cấp của Việt Nam và 30-50% khách nước ngoài, nhưng phụ thuộc vào tình hình thực tế của thị trường. Mục tiêu này sẽ được đặt ra cho mảng lữ hành của công ty du lịch hạng sang Lux Travel DMC chuyên phục vụ cho các thị trường Tây Âu như Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, bởi thời điểm hiện tại đang là mùa du lịch của họ.

Đúng thị trường, đúng thời điểm nên công ty đang nỗ lực tập trung thu hút nguồn khách Tây Âu, sự tăng trưởng và nhu cầu từ thị trường này cũng đang rất tốt.

Mekong ASEAN: Ngành du lịch đang có những tín hiệu rất khả quan trong bối cảnh mở cửa sau đại dịch, vậy từ góc độ doanh nghiệp ông có gặp khó khăn gì trong quá trình phục hồi và phát triển?

Doanh nhân Phạm Hà: Bài toán khó giải nhất của ngành du lịch hiện tại là vấn đề về nhân lực. Hiện nay các công ty du lịch đều đang "đỏ mắt" tìm nhân lực. Những người làm du lịch trước đây đều đã bỏ nghề.

Nhân lực trong ngành đã thiếu, nhân lực có chất lượng lại càng khó tìm hơn, nhất là những người có trình độ về ngôn ngữ. Do quá khát nhân lực, nhiều công ty du lịch xảy ra tình trạng cướp nhân sự của nhau. Đây quả là thực trạng đáng buồn trong ngành du lịch.

Để giải quyết vấn đề này, công ty đang đưa ra những giải pháp như mời tất cả nhân sự đã nghỉ quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó phải tự tạo ra nguồn nhân lực cho công ty như đào tạo nhân lực có thể sử dụng tốt ngôn ngữ nhưng chưa có kỹ năng làm việc trong ngành du lịch.

Công ty cũng tiến hành chuyển đổi số nhân lực, hướng dẫn nhân viên làm việc trong môi trường số hóa, làm việc từ xa, làm trên phần mềm, tạo ra thế hệ nhân lực chất lượng cao có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu.

Mekong ASEAN: Chuyển đổi số là yếu tố sống còn với doanh nghiệp du lịch, vậy công ty đã có những hành động gì để bắt kịp với xu thế trên?

Doanh nhân Phạm Hà: Lux Group đã chuyển đổi số ngay từ những ngày đầu thành lập, chứ không phải đến bây giờ mới chuyển đổi số. Mọi hoạt động của công ty đều thực hiện trên môi trường số hóa như website bán hàng; booking; trả tiền online hay trải nghiệm từ xa, thực tế ảo, tất cả đều xây dựng từ ngày đầu thành lập chính vì vậy, doanh nghiệp mới có thể tồn tại trong Covid.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn lực, linh hoạt trong thế giới luôn luôn biến đổi và mọi quyết định đưa ra phải chắn chắn và nhanh chóng. Muốn quyết định nhanh thì phải nắm được thông tin dữ liệu, big data. Nhân sự phải làm việc từ xa và giao tiếp với khách hàng trên nền tảng số. Đây chính là thế mạnh của doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu thành lập.

Các hệ thống booking của công ty đều liên kết với các hệ thống phân phối quốc tế, khách hàng có thể đặt được du thuyền từ bất cứ đâu trên thế giới. Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra doanh thu tốt hơn và tối ưu hóa các nguồn lực của mình.

Mekong ASEAN: Là một doanh nghiệp du lịch trụ vững sau 2 năm đại dịch, ông có đề xuất gì nhằm mục đích đẩy mạnh quá trình phục hồi của ngành du lịch trong bối cảnh mở cửa hiện nay?

Doanh nhân Phạm Hà: Đẩy mạnh quá trình phục hồi là điều mà doanh nghiệp du lịch nào cũng rất mong muốn nhưng muốn đẩy mạnh thì phải biết chúng ta đi đâu.

Do thiếu chiến lược cụ thể nên các doanh nghiệp đang phục hồi một cách khá mông lung, không có hệ thống, mạnh ai người nấy làm. Chưa phát huy được sức mạnh nội lực của ngành du lịch Việt nam.

Thiếu sự liên kết giữa các vùng, các doanh nghiệp du lịch với nhau, giữa hàng không với doanh nghiệp du lịch, hàng không với lữ hành, nhà hàng khách sạn. Ít nhất cần có một chiến lược ngắn hạn cụ thể như hết năm 2022 chúng ta sẽ làm gì, rồi 2 đến 3 năm tới chúng ta sẽ làm gì? Và đặc biệt vẫn chưa có chiến lược dài hạn để phát triển du lịch Việt Nam một cách bền vững trước những cú sốc của thiên nhiên, môi trường.

Chúng ta không thể thấy du lịch nội địa phục hồi là hài lòng với điều đó và khách nội địa không thể thay thế được khách quốc tế do đó cần những chiến lược phát triển khu vực bền vững để thu hút được nhiều khách du lịch đến Việt nam, giúp họ đến dễ dàng hơn, đến chi tiêu nhiều hơn và quan trọng nhất họ phải có những trải nghiệm tuyệt vời khi ở Việt Nam.

Phải hiểu du khách, biết họ đang phàn nàn về vấn đề gì, chưa hài lòng về vấn đề gì từ đó chúng ta sẽ đưa ra những chính sách khắc phục và xác định đâu là thị trường nguồn, mục tiêu của Việt Nam.

Covid-19 vừa là khó khăn, vừa là cơ hội khi mà từ dịch bệnh chúng ta nhìn ra rất nhiều lỗ hổng trong ngành du lịch Việt Nam, từ nguồn nhân lực cho đến việc quá phụ thuộc vào một nguồn khách dẫn đến việc bị động khi thị trường Đông Bắc Á, Trung Quốc đóng cửa và chúng ta chỉ còn 30% khách từ các thị trường khác.

Từ đó, rõ ràng du lịch Việt Nam cần tư duy lại, định vị lại, tập trung vào “chất” hơn là “lượng”. Du lịch Việt Nam cần lấy khách hàng làm trung tâm, hướng tới phát triển du lịch bền vững, coi trọng tài nguyên mà chúng ta có từ thiên nhiên cảnh quan và con người.

Du lịch phải gắn với phát triển bền vững, bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Du lịch phải gắn với phát triển bền vững, bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Rất nhiều tài nguyên di sản đẹp đang bị tổn hại gây ra rất nhiều tiếc nuối cho người làm du lịch. Nếu coi trọng du lịch bền vững và tài nguyên thiên nhiên thì sẽ có cách ứng xử tốt hơn với thiên nhiên và từ đó sẽ tạo ra nhiều cảm xúc hơn cho khách du lịch.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp