ĐHĐCĐ PAN Group: Trả cổ tức tiền mặt sau nhiều năm 'tri ân' bằng hiện vật

PAN NÔNG NGHIỆP
15:35 - 26/04/2024
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT PAN điều hành đại hội.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT PAN điều hành đại hội.
0:00 / 0:00
0:00
Cổ đông PAN dự ĐHĐCĐ năm nay vừa được nhận gạo và nước mắm như những năm trước, vừa nhận cổ tức tiền mặt 5%.

Chiều ngày 26/4, CTCP Tập đoàn PAN (mã chứng khoán PAN) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024. Năm nay, công ty lên kế hoạch doanh thu 14.780 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế 1.057 tỷ đồng, tăng 10% so với mức kỷ lục của năm 2023.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, năm 2023, công ty dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% đồng thời trích 5 tỷ đồng vào các quỹ khen thưởng phúc lợi. Sang năm 2024, mức cổ tức bằng tiền dự kiến là 5% (nếu đạt chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra).

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội, bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc PAN cho biết, đây chưa phải mức cao nhưng là nỗ lực lớn của công ty cho năm 2023 và các năm kế tiếp. Công ty đặt mục tiêu tăng dần cổ tức qua các năm.

Những năm trước đây, PAN không chia cổ tức. Doanh nghiệp được nhà đầu tư nhớ đến với chính sách "tri ân" cổ đông bằng hiện vật là sản phẩm do chính công ty sản xuất (gạo và nước mắm).

Năm nay, ngoài cổ tức tiền mặt, PAN tiếp tục chính sách cổ đông cá nhân và tổ chức nắm giữ 25.000 cổ phiếu PAN trở lên được nhận 50 kg gạo Vinaseed; 6 chai nước mắm thượng hạng 584 Nha Trang; 1 hộp quà đa dạng các sản phẩm PAN.

Ban lãnh đạo PAN đánh giá 2024 tiếp tục là một năm nhiều thử thách cho hoạt động sản xuất kinh doanh khi các điều kiện kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, tín dụng tiếp tục có những biến động khó lường, và có ảnh hưởng bất lợi tới mở rộng sản xuất kinh doanh.

Lạm phát và lãi suất ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU vẫn ở mức cao nên nhu cầu tiêu dùng và đơn đặt hàng từ các thị trường này phục hồi chưa rõ nét. Trong khi đó, thị trường nội địa cũng mới bước vào giai đoạn phục hồi sau hai năm 2022, 2023 nhiều khó khăn.

“Vì vậy, kế hoạch kinh doanh của từng công ty cũng như hợp nhất cho năm 2024 được xây dựng với kịch bản có sự thận trọng nhất định. Trong kịch bản tích cực hơn, chúng tôi kỳ vọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa sẽ có bước phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024, và có thể mang tới tăng trưởng cao hơn dự kiến cho các mảng kinh doanh của PAN,” ban lãnh đạo nêu trong tờ trình kế hoạch kinh doanh.

PAN Group hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, là cái tên nổi bật trong số các công ty thành viên thuộc "hệ sinh thái" của ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI (SSI).

Tại thời điểm cuối năm 2023, quy mô tài sản của PAN đạt 20.188 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn với 7.291 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở khoản mục chứng khoán kinh doanh (6.676 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm, tương đương cuối quý 2 và quý 3).

Theo thuyết minh, khoản chủ yếu trong danh mục chứng khoán kinh doanh của PAN là chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng tại các ngân hàng thương mại (6.670 tỷ đồng), và hưởng lãi suất từ 3,9% đến 6,5%. Các chứng chỉ tiền gửi trên được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn của PAN.

Tin liên quan

Đọc tiếp