Cần Thơ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

CẦN THƠ ĐBSCL
09:31 - 01/01/2024
Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ.
Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ.
0:00 / 0:00
0:00
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, TP Cần Thơ đã đạt nhiều thành tựu. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng.

Tối 31/12/2023, TP Cần Thơ tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập TP Cần Thơ trực thuộc trung ương (1/1/2004 - 1/1/2024). Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất, biểu dương và tôn vinh những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị Quyết số 22 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó chia tỉnh Cần Thơ thành TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang. Theo đó, ngày 1/1/2004, TP Cần Thơ chính thức được thành lập và đi vào hoạt động.

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, TP Cần Thơ đã đạt nhiều thành tựu. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng. Tổng sản phẩm bình quân đầu người ước năm 2023 đạt gần 95 triệu đồng, gấp 9,2 lần so với thời điểm tái lập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, ước năm 2023, số hộ nghèo giảm chỉ còn khoảng 1.180 hộ, chiếm 0,32% tổng số hộ. Đây là mức thấp nhất vùng ĐBSCL và thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, Cần Thơ là thành phố trẻ, năng động, giữ vai trò rất quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước. Với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và nhân dân, đến nay diện mạo thành phố đã có nhiều thay đổi: Sạch hơn, sáng hơn, đẹp hơn, đời sống người dân khá hơn, vui hơn, tầm nhìn xa hơn và khát vọng cao hơn… Đây là nền tảng quan trọng, tạo đà cho Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, xứng đáng là thành phố trung tâm, động lực của vùng ĐBSCL.

Ghi nhận kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố song Chủ tịch nước cho rằng, những thành tựu này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vai trò trung tâm động lực của vùng ĐBSCL chưa thể hiện rõ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, năng lực cạnh tranh thấp, tỷ trọng ngành công nghiệp còn thấp, ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, ngành nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế...

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm.

Để xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Cần Thơ cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cần Thơ cần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với vùng ĐBSCL và thành phố; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong; cùng với phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân, di sản văn hóa đặc sắc của thành phố miền sông nước.

Thành phố cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ tái tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… tạo ra năng lực sản xuất mới, giá trị hàng hóa, dịch vụ gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Cần Thơ phải thực sự trở thành trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân, một cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và cả nước, góp phần kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong.

Cùng với đó là tiếp tục cải cách hành chính, có cơ chế, chính sách phù hợp huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển thành phố; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế; chủ động có giải pháp cụ thể, thiết thực để ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.