Một đoàn xe bọc thép của Nga di chuyển dọc đường cao tốc ở Crimea. Ảnh: AP |
Các chiến lược gia, dẫn đầu bởi Giám đốc đầu tư Michael Wilson tại Morgan Stanley nhận xét rằng: "Một cuộc xung đột về mặt vật chất làm tăng khả năng xảy ra một cơn lốc cực lớn đối với nền kinh tế". Đồng thời, ông nói thêm, giá năng lượng tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
"Các kho dự trữ năng lượng có nguy cơ bị điều chỉnh giá lên cao nhất nếu một cuộc chiến tranh tiềm tàng xảy ra, dẫn đến giá dầu và khí tự nhiên tăng vọt. Theo quan điểm của chúng tôi, sự tăng giá đột biến như vậy sẽ phá hủy nhu cầu và đẩy một số nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái hoàn toàn. Đây là một cơn lốc hai cực", các chuyên gia cho biết.
Thị trường tài chính toàn cầu chịu áp lực lớn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Skynews |
Giá dầu thô đã phải chịu áp lực tăng trong những tuần qua, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga - nhà sản xuất dầu lớn và Ukraine - vốn là đường dẫn chính cho xuất khẩu năng lượng sang Tây Âu. Vào ngày 14/2, giá dầu đã tiến gần hơn đến mốc 100 USD/thùng. Dầu thô Trung cấp Tây Texas của Mỹ tăng 2,30% lên 95,24 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 2,10% ở mức 96,42 USD.
Trong một cuộc điện đàm vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Mỹ sẽ "đáp trả một cách dứt khoát và nhanh chóng áp đặt các lệnh trừng phạt khắt khe" nếu một cuộc xung đột quân sự xảy ra tại khu vực biên giới Nga - Ukraine.
Sự biến động địa chính trị đã tạo thêm áp lực lên chứng khoán Mỹ, vốn đã bị ảnh hưởng bởi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi cơ quan này quyết tâm kiềm chế lạm phát.
Theo ông Wilson, có vẻ như việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,5% trong tháng 1, mức cao nhất trong 40 năm, hiện đã là "tin cũ". Thay vào đó, ông cho rằng các nhà đầu tư nên tập trung vào việc dự kiến nó sẽ tăng trưởng hoặc giảm sút như thế nào trong tương lai. "Mặc dù mức lạm phát có khả năng vẫn cao hơn dự kiến của Fed trong tương lai gần, nhưng tốc độ thay đổi có thể đã đạt đến đỉnh điểm. Điều này có khả năng làm giảm nỗi lo sợ hiện tại của các nhà đầu tư và các thị trường".
Đặc biệt, ông khuyên các nhà đầu tư nên cảnh giác trước "Băng" khi đề cập đến câu chuyện về "Lửa và Băng" mà ông đã từng thảo luận vào tháng 9/2021. Vào thời điểm đó, ông đã đặt ra hai con đường rủi ro ngắn hạn cho thị trường chứng khoán: “Lửa”, một triển vọng lạc quan hơn sẽ xảy ra, nếu Fed bắt đầu từ bỏ điều tiết tiền tệ khi nền kinh tế Mỹ quá nóng và “Băng” sẽ xảy ra nếu mức điều chỉnh về thu nhập tăng chậm và các dữ liệu vĩ mô tần số cao giảm giá trị. Ông cảnh báo rằng điều thứ hai có tính "hủy diệt" vì nó có thể khiến chỉ số S&P 500 giảm tới 20%.
Ông Wilson đã nhiều lần nhắc lại rằng chứng khoán Mỹ đang hướng tới một đợt điều chỉnh, dù điều này vẫn chưa xảy ra. Đồng thời, ông đưa ra các mục tiêu cuối năm thấp nhất cho chỉ số chuẩn. "Tuy nhiên, nếu chiến tranh không xảy ra thì tôi chỉ đơn giản thấy là mùa xuân năm nay lạnh hơn bình thường”, vị chiến lược gia cho biết.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/2 thông báo các đơn vị thuộc Quân khu phía Tây và phía Nam đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập gần Ukraine. Động thái này được đánh giá là nỗ lực của Nga nhằm hạ nhiệt căng thẳng, bày tỏ thiện chí trong đàm phán với phương Tây.
Tuy nhiên, lãnh đạo Mỹ, Anh, NATO vẫn hoài nghi động thái này của Nga, cảnh báo nguy cơ nổ ra chiến tranh "còn rất cao" và yêu cầu Moscow rút toàn bộ lực lượng gần biên giới Ukraine để chứng minh thiện chí. Nga chưa phản hồi trước những bình luận này.
Trước dấu hiệu căng thẳng hạ nhiệt, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 16/2 (giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 92,43 USD/thùng, tăng 0,36 USD/thùng trong phiên.
Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 15/2, giá dầu WTI giao tháng 3/2022 đã giảm 2,39 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 93,60 USD/thùng, tăng 0,32 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 2,16 USD so với cùng thời điểm ngày 15/2.