Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt

FDI Việt nAM
00:36 - 12/08/2022
Toàn cảnh diễn đàn
Toàn cảnh diễn đàn
0:00 / 0:00
0:00
Trong thu hút FDI, Việt Nam mặc dù có những lợi thế nổi bật nhưng cũng đang đối mặt nhiều áp lực cạnh tranh từ các nền kinh tế khác trong khi cơ chế chính sách vẫn còn những điểm chồng chéo, ý kiến từ một cuộc hội thảo sáng 11/8. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/7/2022 các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt 5,27 tỷ USD, giảm 43,5% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, có 927 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 7,9% so với cùng kỳ.

Nhận diện về xu hướng nguồn vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tại diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam - 2022: Khơi thông làn sóng đầu tư mới" sáng 11/8 do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nói: "Khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…"

"Những năm gần đây, trung bình hàng năm vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước", ông Phương cho biết.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn.

Triển vọng thu hút FDI, tập trung cho chất lượng, công nghệ cao

Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG nhận xét: "Qua tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi thấy rằng mặc dù kinh tế năm 2022 còn khó khăn ở một số địa bàn nhất định, song mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng lên đối với nền kinh tế Việt Nam. Do vậy vẫn có thể khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với giới đầu tư nước ngoài".

"Hiện nay, chúng ta là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nước Bắc Á và Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).. Trong giai đoạn này theo tôi nên tập trung chất lượng đầu tư, thân thiện môi trường, đầu tư công nghệ cao và không nhất thiết là nhà đầu tư rất lớn mà có thể là nhà đầu tư châu Á. Đây có lẽ là xu hướng tiếp theo", ông Ái nhận định.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 7 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Nhưng bức tranh không chỉ toàn màu hồng

Chia sẻ về quan điểm của mình, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: "Trong bối cảnh hiện nay, tôi đánh giá lạc quan về đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Quyết định 667 của Thủ tướng về chiến lược phát triển đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2023, đã nhấn mạnh chỉ tiêu tăng 50% số tập đoàn trong Fortune top 500 là mục tiêu kéo đại bàng về để họ dẫn dắt và kéo các đối tác về Việt Nam".

Tuy nhiên ông Tuấn cũng đặt vấn đề: "Chúng ta không nên chỉ nhìn màu hồng cơ hội thu hút đầu tư. Cái gì cũng có mặt trái của nó. Chúng ta cũng cùng chia sẻ, cùng cạnh tranh thu hút đầu tư với các nước phát triển khác", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, sự cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia thời kỳ hậu Covid-19 sẽ ngày càng gay gắt. Cơ chế, chính sách về đầu tư nước ngoài vẫn còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội Việt Nam chưa đồng bộ, năng lực dịch vụ hậu cần, logistics chưa tốt, chi phí vận chuyển còn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh một số vấn đề nội tại, ông Tuấn cũng cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài tuy được hưởng ưu đãi nhưng đôi khi lại vướng ở một số thủ tục pháp lý khiến quá trình đầu tư không hề dễ dàng.

"Một trong những điểm rất quan trọng có thể ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách ưu đãi thuế của chúng ta".

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

Là công ty có kết nối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, bà Hương Vũ, Tổng giám đốc EY Việt Nam chia sẻ: "Về những khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài, những năm qua, việc thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam rất tốt nhưng quá trình thực hiện văn bản pháp quy vẫn quá phụ thuộc vào nhà tư vấn. Ví dụ như khái niệm về doanh nghiệp chế xuất, được hưởng chế độ ưu tiên. Trước đây có nhiều điểm hạn chế, nhưng sau đó Chính phủ ban hành Nghị định 18 với mục tiêu xử lý vướng mắc về hoàn thuế đầu vào nhưng vẫn có những khúc mắc khác chưa được giải quyết".

"Một doanh nghiệp chế xuất đến từ Nhật Bản cho rằng, từ tháng 12/2018, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo Nghị định 18. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp mua cung ứng của nhà nội địa ở Việt Nam nhưng lại chưa được thông qua thủ tục về hải quan. Những khúc mắc này mong muốn được Chính phủ và các cơ quan ban, ngành có hướng giải quyết, hỗ trợ", bà Hương nói.

Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc EY Việt Nam.
Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc EY Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương khẳng định, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ cùng các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng hành cùng với nhà đầu tư để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng minh bạch, thuận lợi.

Thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết quan trọng này.

Ngày 2/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 667/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

Xác định mục tiêu tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam; Đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.