Tính đến 31/7/2024, tất cả ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM đều đã công bố báo cáo tài chính quý 2. Trong đó, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với lợi nhuận nửa đầu năm đạt 20.835 tỷ đồng. Xếp sau lần lượt là Techcombank (15.628 tỷ đồng), BIDV (15.549 tỷ đồng), MB (13.428 tỷ đồng), VietinBank (12.960 tỷ đồng)...
Từ phía nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng, bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2024 được đánh giá là tương đối khả quan, thậm chí có những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng bằng lần.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, HNX: BAB) ghi nhận thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 88%, đạt 324 tỷ đồng. Trong kỳ, ngân hàng này dùng 132 tỷ đồng để trích dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. Lãi trước thuế trong quý 2/2024 đạt hơn 203 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BAB báo lãi trước thuế gần 542 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch 1.100 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm, BAB đã thực hiện được 49% mục tiêu sau 2 quý đầu năm.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Bắc Á Bank tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên 154.482 tỷ đồng. Trong khi cho vay khách hàng tăng 2% lên 102.131 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 1% lên 119.743 tỷ đồng.
Nhưng đáng chú ý là, tổng nợ xấu tính đến cuối quý 2/2024 của ngân hàng này cũng tăng 65% so với đầu năm, lên mức 1.513 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 0,92% đầu năm lên 1,48%.
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - UPCoM: VAB) công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 332 tỷ đồng, tăng 16,6% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của VAB đạt 277,5 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này là gần 580 tỷ đồng, tăng 9,5% YoY. Trong năm 2024, VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận là 1.058 tỷ đồng, với kết quả này, ngân hàng đã thực hiện 54,8% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của VietABank đạt 108.929 tỷ đồng. Số dư cho vay khách hàng đạt 73.796 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, UPCoM: BVB) lãi trước thuế quý 2 hơn 83 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước, nhờ kiểm soát chi phí và tăng cường các hoạt động bán lẻ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BVBank thu được gần 442 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trích gần 289 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, ngân hàng ghi nhận gần 153 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ. So với mục tiêu lãi trước thuế 200 tỷ đồng đề ra cho cả năm, BVBank thực hiện được gần 77% sau quý 2.
Tổng nợ xấu ngân hàng tính đến cuối quý 2/2024 là 2.249 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 3,31% đầu năm lên 3,77%.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB) lãi trước thuế hơn 98 tỷ đồng quý 2/2024, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, nhờ cắt giảm mạnh 59% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Sau nửa đầu năm, SGB thu được hơn 166 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 9% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 368 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2024, SGB thực hiện được 45% kế hoạch sau 2 quý.
Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản ngân hàng tại cuối quý 2 tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên mức 32.412 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 2% lên 20.319 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng đi ngang ở mức 23.513 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tính đến 30/06/2024 là 518 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 2,03% đầu năm lên 2,55%.
Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) sau khi cắt giảm 35% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, về mức 209 tỷ đồng, ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh đi ngang so với cùng kỳ, với lợi nhuận trước thuế đạt 17,5 tỷ đồng quý 2/2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần ngân hàng đạt 637 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 20,6 tỷ đồng, nhích nhẹ 5% so với cùng kỳ.
Tổng nợ xấu của BaoViet Bank tăng mạnh 30,8% lên mức 2.165 tỷ đồng cuối quý 2/2024. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của BaoViet Bank tăng từ mức 4% của đầu năm lên 4,79%.
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 151 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng nhẹ 1 tỷ đồng so với quý 2/2023. Dù tăng trưởng không quá lớn so với cùng kỳ, kết quả này vẫn cao hơn nhiều khoản lãi 116 tỷ đồng của quý 1/2024 hay khoản lỗ 4,6 tỷ đồng của quý 4/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 815 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 268 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và giảm 6,6% so với cùng kỳ; hoàn thành 48% kế hoạch lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 vừa qua.
PGBank là ngân hàng duy nhất trong "câu lạc bộ vốn điều lệ nhỏ" ngành ngân hàng ghi nhận tổng nợ xấu giảm. Cụ thể nợ xấu cuối quý 2/2024 giảm 5% so với đầu năm, còn 958 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 2,85% đầu năm xuống còn 2,61%.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, mã: KLB) công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý 2/2024 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 338 tỷ đồng tăng 69% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận của KienlongBank tăng gần 72% so với cùng kỳ, đạt 552 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch năm được ĐHĐCĐ thông qua.
Trong quý 2, thu nhập lãi thuần đạt 919 tỷ đồng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ trong quý đạt 121 tỷ đồng, tăng trưởng 28,37%, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận đạt 3,5 tỷ đồng, giảm một nửa so với quý 2/2023.
KienlongBank tăng dự phòng lên 244,3 tỷ đồng và tính lũy kế 6 tháng, dự phòng KienlongBank đạt 355,9 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 2/2024, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng này đạt 91.668 tỷ đồng, tăng 4.088 tỷ đồng. Tổng huy động vốn đạt 82.380 tỷ đồng, tăng 3.558 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 56.184 tỷ đồng, tăng 3.444 tỷ đồng so với quý liền kề.
Tại ngày 30/6, nợ đủ tiêu chuẩn của KienlongBank đạt 55.310 tỷ đồng, tăng 10,27% so với đầu năm; nợ cần chú ý giảm 14,29% xuống còn 534 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn giảm hơn nửa xuống 106 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng lên 358 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn ghi nhận 664 tỷ đồng, tăng 47,23%.
Tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank tại ngày 30/6 là 1,98% tăng do tỷ lệ nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 47%. Trước đó, đầu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank là 1,93%.
Bình luận với Mekong ASEAN về kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng này, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng đang dần cho thấy sự phân hóa rõ nét. Ở nhóm các ngân hàng nhỏ như bài viết đề cập, việc lợi nhuận tăng trưởng khả quan trong quý 2/2024 là một tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, vấn đề mà hầu hết các ngân hàng trong "câu lạc bộ" này phải đối mặt là thách thức nợ xấu liên tục tăng cao. Ngân hàng Nhà nước đã chính thức gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết hết năm 2024 thay vì kết thúc ngày 30/6, đây là "trợ lực" lớn cho ngành ngân hàng. Song, những nhà băng này đang phải trích lập dự phòng và sẽ còn phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn nữa.
Mặt khác, tăng trưởng tín dụng toàn ngành hiện nay vẫn đang còn thấp, tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ mức 3,4% so với đầu năm vào cuối tháng 5 lên 6,0% vào cuối tháng 6, tuy nhiên lại giảm trở lại còn 5,3% tại ngày 17/7.
"Sự phân hóa nhóm ngành ngân hàng cũng tương đồng với nền kinh tế nói chung, và càng về nửa cuối năm thì càng rõ ràng. Do đó, khả năng bứt tốc về lợi nhuận của mỗi ngân hàng sẽ phụ thuộc vào quản trị của từng ngân hàng này. Với nhóm ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ, đà tăng trưởng tương đối tích cực nửa đầu năm sẽ là đà để các ngân hàng này tăng tốc về đích cũng như "xoay xở" với những yếu tố chưa thuận chiều," TS. Lê Xuân Nghĩa nói.