Tổng giám đốc Bạch Quốc Vinh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Chứng khoán DSC (UPCoM: DSC) được tổ chức thành công sáng 25/3 tại Hội trường Tầng 2, Thành Công Tower, 79 Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, thông qua tất cả các tờ trình.
Tại đại hội, một trong những chủ đề được cổ đông quan tâm là việc tìm kiếm cổ đông chiến lược của công ty. Ông Bạch Quốc Vinh – Tổng giám đốc DSC cho biết kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược được ĐHĐCĐ thông qua từ năm 2023, phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn của DSC.
ĐHĐCĐ DSC: Quyết tâm chuyển sàn HoSE
Theo ông Vinh, DSC để có thể trụ được và phát triển cũng như mở ra các hướng đi mới, công ty cần có đối tác nước ngoài. Ông đánh giá các đối tác này là các cầu nối dẫn vốn từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Vinh, tất cả các công ty chứng khoán ở Việt Nam đều muốn tìm đối tác nước ngoài, mời họ tham gia và phát triển cho hoạt động kinh doanh. Đây cũng là định hướng xuyên suốt trong 2 năm qua của công ty chứng khoán này.
DSC đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác trong nước và nước ngoài và đã có một số tổ chức, định chế tài chính trong nước đặt vấn đề trở thành cổ đông lớn của công ty. Ông Vinh hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới, công ty sẽ công bố các đối tác chiến lược mới.
Ông Bạch Quốc Vinh cho biết thêm, ở thời điểm hiện tại, chắc chắn đã có một đối tác trong nước sẽ trở thành đối tác chiến lược của công ty. Còn đối tác nước ngoài thì công ty đang tiến hành đàm phán, thuyết phục. Đối tác trong nước có thể giúp công ty ở các hoạt động kinh doanh thuần túy tại Việt Nam, đối tác nước ngoài sẽ giúp công ty khai thác nguồn vốn quốc tế.
Trái với nhiều công ty chứng khoán khác, Chứng khoán DSC chưa có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2024. Trả lời về vấn đề này, ông Bạch Quốc Vinh cho biết, công ty chưa có kế hoạch tăng vốn và cũng chưa có nhu cầu tăng vốn trong năm nay.
Theo ông Vinh, năm 2024 công ty phải sử dụng tối đa và hiệu quả vốn của cổ đông đã được huy động trong năm 2023, sau đó là đi vay phục vụ cho hoạt động cho vay margin. Trong tương lai công ty sẽ có kế hoạch huy động vốn, gia tăng tiềm lực của mình.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DSC. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
Khi được hỏi về tình hình kinh doanh, Tổng giám đốc Bạch Quốc Vinh cho biết đến thời điểm hiện tại, vốn được sử dụng cho hoạt động cho margin là gần 2.000 tỷ, lãi vay bình quân là 12,5%. Khi sử dụng hết nguồn vốn huy động từ cổ đông, DSC sẽ tiến hành đi vay phục vụ cho hoạt động cho vay khi nhu cầu cho hoạt động này là rất lớn. Do đó việc huy động khoảng 2.500 tỷ đồng để cho vay là vẫn an toàn, đảm bảo.
Về hoạt động tự doanh, cuối năm 2023, DSC được HĐQT phê duyệt khoản đầu tư 200 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh.
Về tư vấn tài chính doanh nghiệp, DSC đang tập trung vào các khách hàng lớn như Tập đoàn Thành Công để phát triển mảng khách hàng doanh nghiệp. Theo ông Vinh, khi đi ra biển lớn, nếu không có một thế mạnh là tư vấn tài chính doanh nghiệp thì sẽ không phát triển được.
Theo Tổng giám đốc DSC, Tập đoàn Thành Công là một trong những đối tác khác lớn của công ty, đem lại những nguồn khách hàng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp cho DSC. Đây là một nguồn DSC có thể dựa vào và khai thác, mang lại doanh thu, lợi nhuận.
Hoạt động kinh doanh của DSC sẽ tập trung vào 3 trụ cột, là môi giới, tự doanh và tư vấn tài chính.
Đối với hoạt động tự doanh, công ty xác định những mảng đầu tư trên sàn là đầu tư ngắn hạn. Về lâu dài, công ty sẽ tìm kiếm những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng để đầu tư, sau đấy họ niêm yết lên sàn thì DSC sẽ có mức lợi nhuận cao hơn.
Với tình hình kinh doanh quý đầu năm 2024, lũy kế 2 tháng đầu năm, DSC ước lãi 54 tỷ đồng trước thuế, so với cùng kỳ đạt tầm 13 tỷ đồng. Cho đến cuối tháng 3, công ty dự kiến lãi khoảng 70 tỷ đồng trước thuế.
Tại đại hội, nhiều cổ đông bày tỏ quan ngại sau khi CTCP Chứng khoán VNDIRECT bị hacker tấn công. Nhận định về sự việc này, ông Vinh cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi đối với một doanh nghiệp, công ty chứng khoán lớn trên thị trường.
Đối với DSC, từ năm 2023, công ty đã chuyển hướng hoàn toàn sang online, nên DSC xác định việc có thể gặp những trường hợp bị cá nhân, tổ chức có mục đích xấu tác động. Tuy nhiên, ở góc độ là bên cung cấp dịch vụ, DSC cũng có những giải pháp để bảo vệ khách hàng.
Ông Vinh cho biết, trong năm ngoái, phòng IT của DSC đã đề xuất đầu tư gói bảo mật thông tin quy mô 7-8 tỷ đồng, dự kiến được chia thành nhiều giai đoạn để đảm bảo hoạt động kinh doanh thông suốt, nâng cao trách nhiệm bảo mật của công ty.