
![]() |
Tòa nhà FPT tại số 10 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN |
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của CTCP Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) được tổ chức chiều 15/4 tại trụ sở công ty ở số 10 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong giấy mời họp ĐHĐCĐ, FPT nêu rõ thời gian bắt đầu đại hội là 13h. Tuy nhiên, phải tới 13h50, cổ đông mới được bắt đầu lên hội trường tầng 8 để tham dự đại hội.
Trong khoảng thời gian chờ đợi, nhiều đại diện của tập đoàn đã tranh thủ nói chuyện với cổ đông về định hướng phát triển của tập đoàn trong những năm tới, trong đó, tích cực hơn cả là ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính FPT, Chủ tịch Công ty TNHH FPT Smart Cloud. Ông Phương dành hơn 30 phút trò chuyện với cổ đông về mảng bán dẫn, công nghệ số ô tô, trí tuệ nhân tạo… của FPT.
Tính đến 14h20, số lượng đại biểu tham gia đại hội là 1.551 cổ đông, trong đó số lượng cổ đông uỷ quyền là 469 cổ đông, đại diện cho hơn 982 triệu cổ phiếu, tương đương 66,77% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu cả nước, FPT thu hút đông đảo số lượng cổ đông tham dự mỗi đợt ĐHĐCĐ thường niên. Tại ĐHĐCĐ năm 2023 và 2024, ở thời điểm bắt đầu đại hội, FPT ghi nhận lần lượt 1.168 cổ đông và 1.245 cổ đông tham dự.
Tại đại hội lần này, ban lãnh đạo FPT trình cổ đông phương án kinh doanh với tổng doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 13.395 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 21% so với kết quả năm 2024. Khối công nghệ dự kiến là mảng ghi nhận nhiều tăng trưởng nhất, với doanh thu và lợi nhuận tăng 26% và 27,2% lên 49.260 tỷ đồng và 6.655 tỷ đồng.
Khối viễn thông dự kiến đóng góp 19.900 tỷ đồng doanh thu và 4.200 tỷ đồng lợi nhuận; mảng giáo dục, đầu tư dự kiến mang về 6.240 tỷ đồng doanh thu và 2.540 tỷ đồng lợi nhuận.
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ, FPT lên kế hoạch giải ngân 11.000 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư. Trong đó, 6.000 tỷ đồng được dành cho khối công nghệ, đầu tư mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Quy Nhơn; đầu tư dự án nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản.
Khối viễn thông đầu tư 2.500 tỷ đồng, đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu. Khối giáo dục, đầu tư cũng có ngân sách đầu tư 2.500 tỷ đồng, đầu tư mở rộng nguyên viên đại học tại TP Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, đồng thời mở rộng thêm các cơ sở đào tạo mới tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.
![]() |
Ông Nguyễn Thế Phương trò chuyện với cổ đông trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
Lấy AI làm trọng tâm phát triển
“Ngay ngày đầu năm mới 2025, khi DeepSeek với mô hình AI giá rẻ tạo ra cơn địa chấn trên quy mô toàn cầu, tôi nhận thấy cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam. Chúng ta đang đi sau nhưng có cơ hội để khẳng định vị thế tiên phong, khai phá những đỉnh cao mới,” đây là nhận định của Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình trong thư gửi cổ đông tại báo cáo thường niên năm 2024.
Theo ông Trương Gia Bình, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, FPT đã công bố chiến lược AI - Bán - Xe - Số - Xanh (Trí tuệ nhân tạo, Bán dẫn, Công nghệ ô tô số, Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh), trong đó, AI là trụ cột chiến lược quan trọng nhất.
Chiến lược AI - Bán - Xe - Số - Xanh tiếp tục là trọng tâm trong ‘Chiến lược phát triển giai đoạn 2025 – 2027’ dự kiến được FPT trình ĐHĐCĐ thường niên chiều 15/4.
FPT cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư AI, cung cấp kỹ năng, kiến thưc về AI cho 500.000 nhân lực vào năm 2030. |
Theo chiến lược phát triển giai đoạn 2025 – 2027 của FPT, trí tuệ nhân tạo AI sẽ dẫn dắt đà phát triển của tập đoàn, nhắm tới 4 mục tiêu trọng điểm là phát triển nền tảng và hệ thống trợ lý AI “made by FPT”; nâng cao năng suất lao động với AI là trọng tâm; tích hợp AI vào toàn bộ sản phẩm, dịch vụ của FPT; và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực về AI.
Chiến lược AI dẫn dắt được tổ chức triển khai đồng bộ với các chương trình về sáng kiến AI, hạ tầng và dữ liệu, nhân lực và văn hóa. Đối với hạ tầng và dữ liệu, FPT dự kiến sẽ đưa hai nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản đi vào hoạt động trong năm 2025, giúp gia tăng năng lực tính toán trong nghiên cứu và cung ứng các dịch vụ AI.