Ông Nguyễn Đức Anh - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DSC. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
Theo tờ trình gửi ĐHĐCĐ, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Anh cho biết cùng với đà phát triển của thị trường chứng khoán trong nước, công ty đã tận dụng và nắm bắt các cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh trong năm 2023.
Cụ thể, trong năm 2023, DSC ghi nhận doanh thu thuần 441 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Theo báo cáo ban điều hành, Tổng giám đốc Bạch Quốc Vinh cho biết hoạt động cho vay ký quỹ của DSC cũng gia tăng tích cực so với năm 2022. Dư nợ cho vay margin tại thời điểm 31/12/2023 tăng 49% so với đầu năm.
Dư nợ cho vay margin tăng cao xuất phát từ tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tích cực hơn trong bối cảnh lãi suất giảm, chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn so với ngân hàng.
Đối tác tín dụng mới của TC Group
Sau khi tăng vốn, cơ cấu nguồn vốn của DSC hiện nay chủ yếu bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ vay ngắn hạn. Công ty chưa có các nguồn huy động từ trái phiếu mà chủ yếu là vay ngân hàng với lãi suất tương đối thấp, do vậy DSC còn rất nhiều dư địa để huy động vốn đặc biệt là kênh trái phiếu và cổ phiếu.
Trong năm 2024, DSC lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 423 tỷ đồng, tổng chi phí 223 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 200 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với thực hiện của năm 2023.
Một tờ trình đáng chú ý khác sẽ được DSC trình Đại hội, là tờ trình thông qua việc niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Vào đầu tháng 3/2024, HoSE cũng đã thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của 204,8 triệu cổ phiếu DSC.
Việc chuyển sàn được cổ đông DSC thông qua tại đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào quý 3/2023. Tại đây, DSC còn thông qua kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Theo HĐQT công ty này, DSC có thể sẽ phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng hơn nếu có sự hỗ trợ, giúp sức của các nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính. Đối tượng tìm kiếm là các công ty, định chế tài chính lớn, cá nhân trong nước và nước ngoài, có tiềm lực tài chính, uy tín và danh tiếng quốc tế, có thể hỗ trợ DSC trong quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm…
Chứng khoán DSC có tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng. Sau khi về tay nhóm nhà đầu tư có nhiều liên hệ với Tập đoàn Thành Công vào cuối năm 2020, DSC phát triển mạnh mẽ.
Không lâu sau đó, công ty chuyển trụ sở chính về tòa Thành Công Building ở số 80 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Trong năm 2023, DSC tiếp tục có 2 lần tăng vốn lên 2.048 tỷ đồng, bao gồm phát hành 4,9 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và 99,96 triệu cổ phiếu ra công chúng.
Tình hình kinh doanh của DSC cũng tăng trưởng nhanh chóng. Lũy kế cả năm 2023, doanh thu của DSC đạt 438,4 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với thực hiện của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế từ đó cũng tăng 256% so với cùng kỳ lên 120 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của DSC tăng 71% so với thời điểm đầu năm lên 4.123 tỷ đồng, trong đó 4.083 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của DSC là 1.679 tỷ đồng các tài sản FVTPL, bao gồm 227 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và 1.452 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. Các khoản cho vay tăng 46% lên 1.455 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay hoạt động giao dịch ký quỹ.