CEO Nguyễn Văn Khoa: FPT có quyết tâm sắt đá là kinh doanh bằng tri thức

CEO Nguyễn Văn Khoa: FPT có quyết tâm sắt đá là kinh doanh bằng tri thức

FPT CÔNG NGHỆ
10:01 - 23/06/2022

Tăng trưởng kết quả kinh doanh là bài toán khó với các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt là những công ty đã niêm yết trên sàn, nếu không có yếu tố kỳ vọng sẽ khiến nhà đầu tư không hào hứng. Bởi vậy nhiều tập đoàn lớn phải mở rộng sang ngành nghề khác để tìm kiếm cơ hội.

Cũng nằm trong nhóm vốn hóa lớn trên sàn nhưng FPT lại có chiến lược khá khác biệt. Đó là trung thành với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Ban lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tự tin duy trì khả năng tăng trưởng 2 con số trong dài hạn. Vậy động lực tăng trưởng của FPT đến từ đâu, đặc biệt là trong những năm tiếp theo?

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT để có câu trả lời cho vấn đề mà các cổ đông FPT đang quan tâm này.

Mekong Asean: Trong 2 năm Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất – kinh doanh, FPT vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 con số. FPT có bí quyết gì, thưa ông?

Với 34 năm hoạt động trong ngành công nghệ (từ 1988 đến nay), FPT đã trải qua rất nhiều thăng trầm cùng lịch sử đất nước, vượt qua không ít các khó khăn, thử thách. Việc FPT vượt qua làn sóng Covid-19 bởi có sự chuẩn bị kỹ càng từ những kinh nghiệm xương máu và hành động tức thời.

Một trong những chính sách quyết liệt và hiệu quả trong bối cảnh Covid là FPT chuyển sang “thời chiến”, với 10 chuyển đổi (gọi tắt là Chuyển 10), gồm các nguyên lý: Bảo vệ tính mạng, đồng thời bảo đảm công việc không bị gián đoạn bằng cách làm việc tại nhà (WFH); bình tĩnh “sống chung với lũ”, phản ứng nhanh nhạy trước biến động; tài chính đảm bảo "sinh tồn"; mỗi người làm việc bằng hai; đẩy mạnh cố kết nội bộ nhằm nắm bắt các cơ hội mới; sẵn sàng chia sẻ khó khăn tài chính…

Điều đó lý giải cho sự ổn định và phát triển của FPT trong 2 năm Covid-19. Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng trưởng 19,5% và 20,4%. Tính mạng cán bộ, nhân viên được bảo toàn và thu nhập của anh chị em vẫn gia tăng đều đặn.

Mekong ASEAN: Nhưng nếu chỉ đơn thuần là nội lực thì FPT cũng không thể đạt được thành quả như vậy trong khi mọi ngành nghề đều bị đình trệ vì dịch bệnh?

Đúng vậy, khó khăn do Covid-19 mang đến là vô cùng lớn. Chúng tôi cũng gặp những thách thức khi khách hàng khắp nơi trên thế giới đều gồng mình chống dịch. Nhưng trong khó khăn, FPT đã may mắn nhìn thấy và nắm bắt được cơ hội để phát huy lợi thế, đẩy mạnh kinh doanh. Trong đó, cơ hội lớn nhất mà FPT có được là chuyển đổi số.

Đại hội XIII của Đảng đã đề cập nội dung chuyển đổi số là một tất yếu khách quan và có lộ trình, bước đi thích hợp với việc chuyển đổi số. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tích cực xây dựng kế hoạch và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án chuyển đổi số ngay trong năm 2021.

Với lợi thế công nghệ cùng kinh nghiệm chuyển đổi số cho các Chính phủ trên thế giới (Singapore, Pháp…), FPT được hơn 40 tỉnh, thành tin tưởng lựa chọn là đối tác đồng hành trên hành trình chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp cũng bỏ qua những nghi ngại trước đây về hiệu quả và mức độ phức tạp của chuyển đổi số, chủ động tìm đến FPT. Nhờ thế mà, doanh thu từ chuyển đổi số trong năm 2021 của FPT tăng 72% so với năm 2020 và tăng 96,2% riêng trong quý I/2022.

Cơ hội nữa là tại thị trường quốc tế, khi FPT được các doanh nghiệp lớn lựa chọn, được đánh giá tiềm lực ngang hàng với những tập đoàn công nghệ thông tin tên tuổi của Mỹ, Ấn Độ, Pháp… Nguyên nhân bởi năm 2020, Việt Nam chống dịch rất tốt. Bản thân FPT cũng vậy, chúng tôi bảo vệ được đội ngũ nhân sự để đảm bảo công việc vận hành tốt nhất. Ngay cả trong 6 tháng cao điểm dịch của năm 2021, FPT vẫn hoạt động bình thường.

Chính sự an toàn đó đã mang đến niềm tin cho các khách hàng quốc tế. Tất nhiên “có bột mới gột nên hồ”, họ nhận ra năng lực công nghệ và khả năng quản trị điều hành giúp công việc không bị gián đoạn chính là điểm cạnh tranh khác biệt của FPT.

Mekong ASEAN: Vì sao FPT lựa chọn mở rộng kinh doanh ở các nước phát triển vốn rất nhiều các đối thủ “nặng ký”? Với môi trường cạnh tranh này, điều gì là thách thức lớn nhất với FPT và tập đoàn đã thực sự vượt qua thách thức đó?

Mỗi doanh nghiệp khi chọn phát triển ra thế giới đều có chiến lược riêng. FPT lựa chọn hoạt động ở những nước phát triển, thậm chí đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Australia, Singapore…, nơi có sự cạnh tranh khốc liệt hơn với các đối thủ tầm cỡ thế giới. Nhưng nếu cạnh tranh được thì thương hiệu sẽ được nâng cao, kết quả kinh doanh cũng tốt hơn.

Về mặt thách thức, 20 năm trước, để vượt qua các tên tuổi lớn cùng ngành và giành được những hợp đồng giá trị trăm nghìn USD đúng là điều không tưởng, khi Việt Nam nói chung và FPT chưa có tên trên bản đồ công nghệ, kinh nghiệm và năng lực dường như là con số 0. Nhưng tại thời điểm này, FPT tự tin cạnh tranh công bằng với các công ty công nghệ tên tuổi.

Thực tế, FPT đã vượt qua nhiều đối thủ, thắng thầu những hợp đồng chuyển đổi số quy mô lớn hàng chục, hàng trăm triệu tại các thị trường công nghệ thông tin lớn nhất toàn cầu như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Trong đó, các doanh nghiệp lớn như Airbus, RWE, Allianz, Siemens, Schaeffler… đều là khách hàng của chúng tôi.

Nếu nói tới khó khăn ở thời điểm này, thì đó là việc có đủ người để triển khai các dự án cho khách hàng trên toàn cầu hay không. Lời giải của chúng tôi là 22 trung tâm nguồn lực toàn cầu, bao gồm châu Á (Việt Nam, Nhật Bản, Philippines…); châu Âu (Czech, Đức, Slovakia…) và châu Mỹ (USA, Colombia…), đảm bảo lực lượng nhân sự công nghệ cao hoạt động ở mọi múi giờ. Năm vừa qua, FPT tuyển mới hơn 10.000 kỹ sư công nghệ và sắp tới, số lượng tuyển dụng trên khắp thế giới còn nhiều hơn nữa.

Mekong ASEAN: Còn cơ hội chuyển đổi số, FPT đã nhìn thấy trước hay đơn giản chỉ là gặp thời?

Cách đây gần 10 năm, khi lần đầu tiên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nói về câu chuyện chuyển đổi số có anh Trương Gia Bình tham gia, FPT đã nhận thấy đây là xu hướng tất yếu. Từ đó đã có những bước chuẩn bị về chiến lược, nguồn lực để dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số Việt Nam, bắt kịp các xu hướng phát triển của thế giới. Do đó, tôi không cho rằng FPT chỉ đơn giản là gặp thời.

Cơ hội hiện hữu trong thời điểm hiện tại là dòng tiền đầu tư công. Đầu tư công hiện tại gắn liền với công nghệ, hạ tầng số, chuyển đổi số nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết với phát triển của giao thông, cảng biển, kho bãi... Nếu không chuyển đổi số, Việt Nam sẽ đứng ngoài sân chơi thương mại quốc tế. Trong khi mục tiêu tới năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP của Việt Nam.

Tôi lấy ví dụ chỉ riêng ở TP Cần Thơ, ngân sách cho đô thị thông minh là gần 1.000 tỷ đồng. Đó chỉ là một thành phố trực thuộc Trung ương. Trong khi đó, chúng ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 63 tỉnh, thành. Đó là cơ hội rất lớn cho FPT. Hiện chúng tôi đã ký kết hợp tác chuyển đổi số với 18 tỉnh, thành. Đồng thời, FPT đang tích cực xây dựng hệ thống giáo dục, đào tạo, từng bước góp phần xây nền móng nhân lực chuyển đổi số cho quốc gia. Chúng tôi tin tưởng rằng lực lượng này có thể cung cấp cho toàn cầu.

FPT là đơn vị tiên phong đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
FPT là đơn vị tiên phong đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Mekong ASEAN: Đó là cơ hội, còn về mặt thách thức trong chuyển đổi số thì sao thưa ông? FPT có giải pháp gì để tiếp cận, thuyết phục khách hàng?

Chúng tôi luôn ý thức cơ hội lớn đi kèm thử thách lớn. Đã có rất nhiều doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số. Đây thực sự là lĩnh vực rất khó khi tất cả đều thực hiện trên một không gian số. Phải làm sao để người dân cảm nhận được những tác động tích cực, doanh nghiệp thấy được lợi ích… mà chấp nhận thay đổi.

Cái khó nhất của chuyển đổi số là thay đổi nhận thức nên khi triển khai, FPT phải đi theo quy trình: Xây dựng phương pháp luận, mô hình rồi mới ra thiết kế. Trong đó, phương pháp luận về chuyển đổi số của FPT có 3 trụ chính là kinh doanh, công nghệ và con người. Và con người chính là yếu tố quan trọng nhất. FPT đề ra quy tắc chuyển đổi số gồm 3 chữ "H" gồm Heart (trái tim), Head (bộ não), Hand (đôi tay).

Tức phải bắt đầu từ trái tim, khao khát chuyển đổi, sử dụng trí óc, các thành tựu công nghệ tiên tiến rồi mới bắt tay vào hành động. Tiếp theo là 3 chữ "S" gồm: Strategic Thinking (Tư duy chiến lược), Start smart (Khởi đầu thông minh), Scale fast (Thành công thì nhân rộng nhanh). Nói tóm lại, chuyển đổi số như một cuộc cách mạng, phải có người làm cách mạng, thậm chí hi sinh. Ở đó không chỉ cần quyết tâm của người đứng đầu mà còn cần trái tim của cả hệ thống. Chúng tôi sẽ là những người cung cấp vũ khí tối tân để cuộc cách mạng ấy sớm thành công.

Mekong ASEAN: Chuyển đổi số doanh nghiệp cũng rất tiềm năng. FPT đã khai thác vùng đất màu mỡ này như thế nào?

Mảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong năm 2021 của FPT khởi sắc với doanh thu ký mới doanh nghiệp trong nước tăng trưởng 45,9%. Các tập đoàn hàng đầu đang là đối tác, khách hàng của chúng tôi. Ở Việt Nam hiện nay, FPT là công ty duy nhất có năng lực để đáp ứng các yêu cầu rất cao của các ngành đặc thù.

Đơn cử như trong ngành xây dựng – bất động sản, một mảng thị trường đặc thù với yêu cầu phức tạp bậc nhất, FPT liên tiếp thiết lập kỷ lục: Vận hành hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP cho tổng thầu Coteccons chỉ trong 100 ngày - tạo nên chuẩn mực mới triển khai ERP cho ngành này; Triển khai dự án chuyển đổi số tổng thể và toàn diện với quy mô triển khai lớn nhất với thời gian tối ưu 28 tháng cho tập đoàn Đất Xanh… Bên cạnh đó, nhiều khách hàng đầu ngành tiếp tục lựa chọn FPT là đơn vị đồng hành triển khai như Tập đoàn An Gia, Filmore…

Những thành công bước đầu này là tiền để để FPT tiếp tục phát triển giải pháp chuyên sâu cho các chuyên ngành khác và đồng hành thêm nhiều doanh nghiệp trên lộ trình chuyển đổi số trong năm 2022.

Mekong ASEAN: FPT tuyên bố sẽ không tham gia kinh doanh bất động sản. Vì sao tập đoàn lại bỏ qua lĩnh vực dễ gia tăng lợi nhuận này?

Đúng là xu hướng kinh doanh bất động sản, đa lĩnh vực đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn và mang lại hiệu quả. Nhưng FPT có quyết tâm sắt đá là kinh doanh bằng tri thức. Tầm nhìn của FPT là toàn cầu. Mà muốn chinh phục toàn cầu thì con đường công nghệ là tốt nhất.

Mekong ASEAN: Doanh thu trên thị trường quốc tế của FPT đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, vậy có phải thị trường nội địa đã hết dư địa tăng trưởng? Anh có thể nói thêm về dư địa tăng trưởng của 3 lĩnh vực cốt lõi là viễn thông, công nghệ và giáo dục?

Chúng tôi mở rộng thị trường quốc tế để tìm kiếm thêm cơ hội, nhưng không xao nhãng trên thị trường nội địa. Năm 2021, dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường trong nước tăng trưởng 29% và 33,9% so với năm trước đó. Đặc biệt, trong quý I/2022, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của lĩnh vực dịch vụ CNTT trong nước lần lượt đạt 50,3% và 75,5% so với cùng kỳ. Điều đó đã khẳng định tiềm năng thị trường trong nước vẫn hết sức rộng mở và FPT đang khai phá tốt tiềm năng này.

Ba khối đều tăng trưởng tốt những năm qua và có cơ hội lớn trong thời gian sắp tới. Khối công nghệ, động lực tăng trưởng chính là chuyển đổi số, như tôi đã nói ở trên. Khối viễn thông cũng có nhiều dư địa khi tập trung xây dựng trải nghiệm khách hàng thông qua ứng dụng dữ liệu lớn; mở rộng dịch vụ truyền hình trả tiền với các tuyến nội dung mới, nội địa hóa…

Còn khối giáo dục thời gian qua phát triển rất mạnh về cả lượng và chất. Năm 2022, với tầm nhìn trở thành chuỗi giáo dục quy mô lớn (Mega Education), FPT Education sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng các khuôn viên tại khu vực Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định…; hoàn tất thủ tục đầu tư các khu giáo dục tập trung và các trường liên cấp tại một số tỉnh thành khác.

Ba khối viễn thông, công nghệ thông tin và giáo dục vẫn là những động lực tăng trưởng chính của FPT.
Ba khối viễn thông, công nghệ thông tin và giáo dục vẫn là những động lực tăng trưởng chính của FPT.

Mekong Asean: Liên quan đến khối viễn thông, nếu Việt Nam có trạm phát sóng 4G, 5G phủ sóng khắp cả nước thì có phải đối thủ lớn với dịch vụ cố định của FPT?

Nhớ lại trước đây, khi từ 2G lên 3G, nhiều ý kiến cho rằng “thời của Internet, thời của ADSL đã hết”. Tuy nhiên thực tế, dịch vụ cố định vẫn tồn tại và FPT vẫn kiếm tiền được trên cơ sở hạ tầng đó. Quan điểm của tôi là dịch vụ 4G, 5G luôn bổ trợ cho nhau, tạo ra nền tảng đa tầng trên Internet. Trong đó, Mobile Internet phục vụ cho từng cá nhân; còn tại nhà, tại cơ quan là phục vụ cho một hộ gia đình, một cộng đồng thì ADSL vẫn cho thấy ưu điểm hơn ở tốc độ, trải nghiệm người dùng.

Công nghệ sẽ thay đổi và nâng cấp liên tục để đáp ứng nhu cầu của con người cũng như năng lực sáng tạo công nghệ. Trong một dòng sông công nghệ quá siết, nếu chúng ta không tồn tại như một tảng đá nặng thì sẽ bị cuốn trôi. Như Yahoo rất nổi tiếng nhưng cũng mất tích, Netscape cũng chỉ còn vang bóng một thời.

Để trở thành “hòn đá tảng” giữa dòng chảy, chúng tôi đang tập trung khai thác dịch vụ trên hạ tầng, vì đây mới là tương lai, là nguồn thu bền vững. FPT đang có FPT Play với hàng triệu người sử dụng; các dịch vụ công nghệ phục vụ hàng chục triệu người dùng tại mọi lĩnh vực, trong đó thông dụng nhất là các hoạt động như e-banking, hệ thống mua vé tàu xe tại các nhà ga, hệ thống thông quan container qua cửa hải quan, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, hoá đơn điện tử…

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp