Tại báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022", Chính phủ cho biết đã tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và xây dựng, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo viết, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới, tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro...
Trong đó, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á, cụ thể là tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng. Sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới, trong đó đã có phương án xử lý đối với CBBank, OceanBank.
Theo cập nhật, hiện chưa có thông tin chính thức CBBank và OceanBank sẽ "về tay" ngân hàng nào. Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông ngân hàng tổ chức gần đây, lãnh đạo hai Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank và Ngân hàng TMCP Quân đội - MB đều chia sẻ, sẽ thực hiện nhiệm vụ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Với MBBank, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB cũng thông tin tới cổ đông của MB về lộ trình nhận chuyển giao này.
Ông này cho biết, Chính phủ đã ra nghị quyết về phương án nhận chuyển giao. Sau đó, MB mới đề ra phương án chi tiết, tiếp tục trình Chính phủ lần nữa. Sau khi được phê duyệt phương án chi tiết, MB mới tiến hành nhận chuyển giao.
Cũng theo ông Thái, việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.
"Trong trường hợp tái cơ cấu không thành công, MB không thể trả lại "ngân hàng 0 đồng" cho Nhà nước nhưng hoàn toàn có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần. Nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng đó có thể sáp nhập vào MB giúp quy mô tài sản của MB tăng lên", ông Thái nói.
Về phía Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank cho biết, Vietcombank đang triển khai tất cả những yếu tố cần thiết để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.
Nhận định về thời gian hoàn tất phương án chuyển giao bắt buộc ông Dũng cho rằng trên cơ sở đánh giá tổng thể, với những chính sách hỗ trợ nhận được, thời gian xử lý tổ chức tín dụng yếu kém có lẽ sẽ không quá 8 - 10 năm để biến tổ chức tín dụng trở thành một tổ chức tài chính lành mạnh. Tốc độ thực hiện phương án sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố: tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng đó; sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền và tình hình thị trường.
Với việc nhận chuyển giao này, ông Dũng tiết lộ thêm, Vietcombank sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt như được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15% vốn tự có đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của Vietcombank; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ được phép tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế trong suốt thời gian tổ chức tín dụng chưa hết lỗ luỹ kế; không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm nếu Vietcombank đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Nhiều thách thức khi nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng
Chia sẻ quan điểm về việc các ngân hàng 0 đồng sáp nhập vào các ngân hàng lớn, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến cáo, cần rút kinh nghiệm từ việc xử lý 3 ngân hàng OceanBank, CBBank và GPBank. Gần 7 năm qua, dù có nhiều chính sách ưu đãi như khoản vay lãi suất 0%, các ngân hàng lớn là VietinBank, Vietcombank hỗ trợ về nhân lực, quản trị… nhưng sức khỏe của 3 nhà băng được mua lại với giá 0 đồng này vẫn rất “hom hem”.
Từ góc độ khác, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia lo ngại việc cơ cấu lại ngân hàng yếu kém trong giai đoạn này sẽ khó khăn hơn so với trước đây do việc xử lý nợ xấu 5 năm qua đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Suốt 2 năm vừa qua, đại dịch tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm cho doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất, thậm chí hàng chục nghìn đơn vị phải phá sản, giải thể. Nợ xấu cũng như tiến độ xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng bị chậm lại, tồn đọng kéo dài.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện rất đặc biệt. Nếu để ngân hàng nào phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nên việc bán ngân hàng yếu kém giá 0 đồng cho một ngân hàng khỏe mạnh, có tiềm lực tài chính và quản trị chuyên nghiệp để xử lý, cơ cấu lại cũng là một cách làm để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cũng như của toàn xã hội.