Chiều 2/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” và khai trương trang thông tin điện tử diễn đàn này.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, phân tích thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết thêm, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường.
Trong đó, một số mục tiêu, kết quả gắn với “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” là đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa, xã hội của người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất.
Bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mở rộng quy mô nền kinh tế, nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7%/năm. Điều hành các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư…
Nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn, tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tính chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương; duy trì ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, trọng tâm là hệ thống ngân hàng, phát triển cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng lực lượng lao động. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19…
Nói thêm về gói hỗ trợ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, gói hỗ trợ phải đủ quy mô mới có tác dụng. Nếu gói nhỏ quá, không đảm bảo về lượng sẽ không đảm bảo về chất. Tuy nhiên, quy mô ở mức độ nào phải tính toán.
Theo ông, hiện nay, nợ công của Việt Nam còn dư địa nhiều khi ở mức 43,7% GDP, trong khi trần là 55%.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo tính toán, tăng 1% GDP bội chi, các mức an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Cho nên, diễn đàn lần này cũng sẽ thảo luận nhằm xác định quy mô gói phục hồi, trong đó, tài khóa bao nhiêu, tiền tệ bao nhiêu.
"Kinh nghiệm quốc tế thì tài khóa 65%, tiền tệ 35%, còn gói của Việt Nam trong hai năm 2020-2021 khoảng 4% GDP, trong đó 2,9% tài khóa và 1,1% là tiền tệ, gần giống với quốc tế. Còn độ dài, có thể tập trung hai năm tới, trong đó năm 2022 phục hồi và 2023 là kích thích tăng trưởng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Đề cập đến nguồn lực của gói tài khoá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng phải cân nhắc trên cơ sở vay và có khả năng trả nợ, bảo đảm tính khả thi và đáp ứng được mức độ hấp thụ của nền kinh tế.
Ông nhấn mạnh "không sợ tăng trần nợ công hay các mức chi tiêu, quan trọng là sử dụng hiệu quả các gói hỗ trợ này, đưa vào đâu, mục đích gì, hiệu quả của nó ra sao". Theo đó, để mang lại hiệu quả việc sử dụng các gói hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách, phân tán, thậm chí phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.