Là một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình phục hồi) đã thu hút nhiều ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội trong tuần này, trong đó nhiều đại biểu bày tỏ nhiều băn khoăn về hiệu quả thực tế và kết quả cụ thể của chương trình này.
“Với hơn 346 nghìn tỷ chúng ta sẽ thu lại được kết quả gì?”
Theo dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ triển khai Chương trình phục hồi mà Chính phủ vừa trình Quốc hội, tổng quy mô giải pháp tài khóa, tiền tệ và giải pháp khác lên tới hơn 346 nghìn tỷ đồng, triển khai trong khoảng 2 năm (2022-2023).
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2022 sẽ thực hiện giải ngân khoảng 42% tương đương khoảng 146 nghìn tỷ, phần còn lại 201 nghìn tỷ sẽ giải ngân trong năm 2023. Ông thừa nhận quy mô của Chương trình này là tương đối lớn, trong khi thời gian thực hiện ngắn nên khả năng hấp thụ để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra là thách thức lớn với nền kinh tế.
Việc số vốn lớn chuẩn bị được đưa vào nền kinh tế cũng là trăn trở được đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nêu ra ngay đầu phiên thảo luận sáng 7/1: “Vấn đề cốt lõi là hiệu quả thực tế mà đề án cần phải đạt được và trả lời được câu hỏi với hơn 346.000 tỷ thì chúng ta sẽ thu lại được kết quả cụ thể gì?”
Mặc dù Điều 2 của dự thảo Nghị quyết có quy định 3 mục tiêu của Chương trình: mức tăng trưởng GDP từ 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025, phục hồi sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng “cần đưa ra những cam kết cụ thể, có thể có những sản phẩm hữu hình, có những kết quả vô hình nhưng đều có thể tính toán được”, đại biểu Lưu Mai nói thêm.
"Vấn đề cốt lõi, vấn đề hiệu quả thực tế mà đề án cần phải đạt được đó là cần trả lời được câu hỏi với hơn 346.000 tỷ thì chúng ta sẽ thu lại được kết quả cụ thể gì?”
Tương tự, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cũng băn khoăn về dự kiến tác động của Chương trình phục hồi đến một số chỉ tiêu vĩ mô, cụ thể là chỉ tiêu. “Tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, mục tiêu của chương trình nhằm đạt được tăng trưởng bình quân là từ 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025", ông Huy nói thêm
Từ đây đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm ở đây là so với năm 2021 hay so với mục tiêu về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đã thông qua tại Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, hoặc so sánh với các chỉ tiêu khác.
Cũng quan tâm đến hiệu quả của Chương trình phục hồi, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) nhấn mạnh cần rà soát các giải pháp cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi do nguồn lực bố trí lớn trong khi quy định thời gian thực hiện khá ngắn, chủ yếu trong 2 năm 2022 - 2023.
Chuẩn bị nghiêm túc để bảo đảm hiệu quả
Bắt đầu được thảo luận tại các Bộ ngành từ khoảng tháng 9/2021, các chính sách tài khóa, tiền tệ trong Chương trình phục hồi đã được Chính phủ nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng dựa trên tình hình kinh tế - xã hội nói chung, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, người lao động và nhu cầu hỗ trợ của từng ngành nói riêng cũng như khả năng huy động nguồn lực, hấp thụ của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc đề xuất quy mô tổng thể, phương thức, lộ trình huy động giải ngân các nguồn vốn cho từng năm đã được Chính phủ tính toán trên cơ sở giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, có trọng tâm trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ nhu cầu tăng trưởng phát triển bền vững lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu trong nền kinh tế.
“Chính sách đã được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm thiết thực, hiệu quả cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế”.
Bộ trưởng Dũng cho rằng yếu tố bảo đảm sự thành công của chính sách chính là quá trình tổ chức thực hiện ở các cấp các ngành sau khi Chương trình được Quốc hội thông qua. Về công tác triển khai thực hiện, ông đánh giá một số chính sách có thể thực hiện ngay 100% trong năm 2022 như miễn giảm thuế, trong khi một số chính sách khác yêu cầu thời gian chuẩn bị nên cần có sự điều phối linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư trung hạn như đầu tư công, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, hạ tầng giao thông…
Sáng 4/1, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quy mô Chương trình ước tính lên tới khoảng 347 nghìn tỷ đồng, trong đó nhóm giải pháp tài khóa khoảng 291 nghìn tỷ đồng, nhóm giải pháp tiền tệ khoảng 46 nghìn tỷ và 10 nghìn tỷ cho nhóm giải pháp khác. Thời gian triển khai chủ yếu trong 2 năm (2022-2023), mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7,0% trong giai đoạn 2021-2025.
Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 4/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng các chính sách tài khóa, tiền tệ Chính phủ trình Quốc hội về cơ bản bảo đảm đúng định hướng: kết hợp cả chính sách tài khóa và tiền tệ, tác động cả phía cung và phía cầu, quy mô đủ lớn (gần 350 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 5,25% GDP theo giá trị thực tế), thời gian đủ dài (2022-2023), phân bổ vốn vào các lĩnh vực giải ngân được ngay, tạo ra hiệu quả cho nền kinh tế.