ĐHĐCĐ thường niên 2024 của EVNFinance sẽ được tổ chức vào ngày 15/3 tới đây. |
Chốt phiên 12/3, cổ phiếu EVF của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance – HoSE: EVF) giảm 2,29% về còn 17.100 đồng/CP, tương đương vốn hóa 12.043 tỷ đồng. Tuy giảm điểm khá mạnh, cổ phiếu này vẫn đang giao dịch ở vùng giá đỉnh lịch sử, và là một trong những cổ phiếu tăng điểm nóng nhất trên thị trường chứng khoán trong hơn một năm trở lại đây.
Tính từ trung tuần tháng 11/2022 đến nay, EVF đi từ vùng giá 5.500 đồng/CP lên vượt ngưỡng 17.000 đồng/CP (giá điều chỉnh), tương ứng mức tăng hơn 200%. Đi cùng với đà tăng là thanh khoản hơn chục triệu đơn vị mỗi phiên, so với vài trăm nghìn mỗi phiên như trước đây.
Cổ phiếu EVF tăng mạnh trong bối cảnh công ty có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ. Trong đó, vào tháng 11/2023, EVNFinance hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, nâng vốn gấp đôi lên 7.021 tỷ đồng, đồng thời thu về thêm 3.862 tỷ đồng để bổ sung cho hoạt động kinh doanh.
Các chỉ tiêu tài chính của EVF trong năm 2023 cũng khá khả quan. Trong đó tổng tài sản tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với đầu năm 2023 lên vượt ngưỡng 49.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng tăng gần gấp đôi lên 8.456 tỷ đồng sau đợt phát hành cổ phiếu thành công.
Diễn biến cổ phiếu EVF. |
Đánh giá về tình hình hoạt động của công ty, Chủ tịch HĐQT Phạm Trung Kiên nhận định năm 2023 EVF luôn đảm bảo duy trì chất lượng tài sản, an toàn thanh khoản, giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp... Đây là các điều kiện quan trọng để công ty nhận được mức xếp hạng tín nhiệm B2 – triển vọng ổn định do Moody’s đánh giá năm thứ 3 liên tiếp.
Theo kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên sẽ được tổ chức vào ngày 15/3 tới đây, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm bản lề quan trọng của EVNFinance. Công ty đề ra nhiều mục tiêu đáng chú ý như tìm kiếm, phát triển quan hệ với các nhà đầu tư chiến lược, tăng năng lực nguồn vốn chủ sở hữu; tổng tài sản đạt 54.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 43% so với năm 2023.
Được thành lập năm 2008, EVF ra đời giữa làn sóng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty vốn Nhà nước.
Với vốn điều lệ ban đầu ở mức 2.500 tỷ đồng, trên cơ sở góp vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) và gần 65.000 cổ đông là tổ chức và cán bộ nhân viên ngành điện, EVNFinance là công ty tài chính có nguồn nội lực hàng đầu, thậm chí còn vượt trội so với nhiều ngân hàng thương mại thời điểm đó.
Trong nhiều năm, vốn điều lệ của EVNFinance được giữ nguyên ở mức 2.500 tỷ đồng. Phải tới năm 2020, EVF mới có lần tăng vốn đầu tiên sau khi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu lên 2.650 tỷ đồng, và tiếp tục tăng lên 3.047 tỷ đồng vào năm 2021 cũng với nghiệp vụ này.
EVF là một trong những công ty đại chúng với cơ cấu sở hữu loãng bậc nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2018, công ty có tổng cộng 56.114 cổ đông, cao hơn nhiều những tập đoàn lớn khác ở thời điểm đó như Vingroup (16.200) hay Hòa Phát (27.725).
Cơ cấu sở hữu pha loãng khiến EVNFinance gặp không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Ví dụ như ở lần xin ý kiến ĐHĐCĐ bằng văn bản đầu năm 2019, cổ đông công ty này đã không thông qua phương án tăng vốn điều lệ để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức, tăng vốn của EVF lên 3.025 tỷ đồng.
Bước ngoặt quan trọng xảy đến khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam triệt thoái vốn khỏi EVNFinance giai đoạn 2019 - 2020. Đây cũng là thời điểm mà nhóm Tập đoàn Amber (Amber Holdings) bắt đầu hiện diện rõ nét tại EVNFinance. Nhiều nhân sự cấp cao của Amber Holdings cũng chuyển sang nắm giữ các vị trí quan trọng của EVF.
Vào tháng 5/2020, ông Lê Mạnh Linh – Chủ tịch HĐQT CTCP Amber Capital và CTCP Quản lý quỹ Amber được bầu vào HĐQT EVF. Ông Lê Long Giang - cựu Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Quang Anh, một pháp nhân có nhiều liên hệ với hệ sinh thái Amber Holdings cũng trở thành thành viên ban kiểm soát của EVF.
Ông Nguyễn Hoàng Hải được bầu làm Thành viên HĐQT vào năm 2018. Tới năm 2020, ông kiêm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của EVNFinance cho tới năm 2023.
Ông Hải từng có thời gian làm Ủy viên HĐQT tại CTCP Xây dựng và chế biến lương thực Vĩnh Hà (VHF), đồng thời đại diện phần vốn góp 23,96% của Công ty TNHH Xây dựng HTB - hai thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn Mesa (Mesa Group) của doanh nhân Lưu Thị Tuyết Mai.
Mối quan hệ khăng khít giữa 2 nhóm doanh nghiệp này còn thể hiện rõ nét trong "cuộc chiến vương quyền" tại Eximbank, sẽ được Mekong ASEAN đề cập ở một dịp khác.
Trong thời gian vừa qua, nhiều cựu lãnh đạo cấp cao của Amber Holdings – EVNFinance đã chuyển sang đảm nhận các vị trí quan trọng tại Eximbank. Trong đó, ông Nguyễn Hoàng Hải từ nhiệm vị trí CEO EVNFinance vào tháng 5/2023 và được bổ nhiệm vào ghế quyền Tổng giám đốc Eximbank 5 tháng sau đó.
Trở lại với EVNFinance, vai trò của nhóm Amber Holdings ngày càng được củng cố. Ở thời điểm hiện tại, 3/6 nhân sự tại HĐQT của EVF là các lãnh đạo cấp cao trong hệ sinh thái Amber, bao gồm các thành viên là ông Lê Mạnh Linh (Chủ tịch HĐQT CTCP Amber Capital), ông Nguyễn Văn Hải (Giám đốc pháp chế CTCP Amber Capital), ông Nguyễn Trung Thành (Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Amya Holdings).
Ông Phạm Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT EVF là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng đại diện CTCP QNK Bắc Giang tại Hà Nội. Được thành lập năm 2014, QNK Bắc Giang là chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng sân Golf, dịch vụ Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Dự án có tên thương mại Amber Hills Golf & Resort, là một trong những dự án lớn của Amber Holdings.
Ban kiểm soát của EVF cũng có 2/3 thành viên có nhiều liên hệ với nhóm Amber Capital, bao gồm ông Lê Long Giang và ông Nghiêm Khắc Đạt. Trong đó, ông Lê Long Giang là trưởng ban kiểm soát.
Dưới sự dẫn dắt của dàn lãnh đạo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tình hình kinh doanh của EVNFinance liên tục khởi sắc trong những năm vừa qua, kể cả khi nền kinh tế chao đảo vì đại dịch Covid-19.
Theo đó, trong bối cảnh các công ty tài chính gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, EVF lại tăng trưởng mạnh trong 3 năm Covid và đều đặn báo lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của công ty cũng đạt 49.221 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2019.
Tiềm lực của Amber Holdings
Mảng tài chính của Amber Holdings. Ảnh: Amberholdings.vn |
Trong những năm trở lại đây, Amber Holdings trở thành một trong những tập đoàn đa ngành với tốc độ phát triển nhanh chóng, trải rộng từ năng lượng tái tạo, tài chính chứng khoán cho đến bất động sản.
Ở mảng tài chính chứng khoán, thành viên của Amber Holdings là CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) vừa niêm yết 120 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào tháng 8/2023. Công ty cũng đang triển khai tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.400 tỷ đồng, thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Amber Holdings sở hữu nhiều dự án lớn, như 2 dự án điện gió tổng công suất 60 MWp tại huyện Hóa, tỉnh Quảng Trị, hay dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Minh II công suất lắp đặt 50 MWp tại tỉnh Bình Thuận. Thành viên trong mảng NLTT là CTCP Helio Energy cũng chính thức đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM vào tháng 10/2023.
Ở mảng bất động sản, Amber Holdings cũng sở hữu loạt dự án từ khu đô thị, KCN cho tới du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có thể kể đến Khu công nghiệp Amber Tây Bắc Hồ Xá (1.097 tỷ đồng, 215 ha), Chung cư cao cấp và TMDV Cổ Linh, Long Biên, Hà Nội (2.500 tỷ đồng, 4,2ha), Khu du lịch Dốc Lết – Phương Mai (4.082 tỷ đồng, 152,45ha)…
Đà phát triển của Amber Holdings có dấu ấn không nhỏ của EVNFinance, khi là một trong những đối tác tài chính quen thuộc trong nhiều năm qua.
Tính đến cuối năm 2019, EVNFinance là cổ đông nắm giữ 4,9% vốn điều lệ của CTCP Amber Capital, và 4,98% vốn điều lệ của CTCP Bất động sản Quang Anh. EVF cũng sở hữu 9,09% vốn điều lệ của CTCP Helio Power, tương ứng giá trị đầu tư 300 tỷ đồng, khoản đầu tư đưa giá trị định giá của Helio Power lên mức 4.000 tỷ đồng.
Tổng giá trị các khoản đầu tư dài hạn nói trên là 369 tỷ đồng, chiếm 77% các khoản đầu tư dài hạn khác và tương đương 14,8% vốn điều lệ thời điểm đó của EVF.
EVF là nhà đầu tư mua trọn 200 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2018 và 2020 của CTCP Chứng khoán Nhất Việt. Ở đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ của VFS hồi tháng 8/2023, EVF cũng tham gia tích cực khi mua vào 12 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ công ty chứng khoán này.
Vào năm 2019, EVNFinance cũng mua vào toàn bộ 450 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng, pháp nhân do Amber Capital góp vốn sáng lập. Lô trái phiếu có thời hạn 5 năm, lãi suất 9%/năm. Tài sản đảm bảo là “quyền tài sản được hình thành theo hợp đồng hợp tác đầu tư ký giữa CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng và chủ đầu tư dự án là CTCP Phương Mai”.
Không chỉ góp vốn và hỗ trợ phát hành trái phiếu, EVF còn đóng vai trò thu xếp tín dụng cho nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Amber Holdings.
Vào tháng 9/2023, CTCP ABG Thủ Đô đã thế chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh ký ngày 10/8/2023 với Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Tường Vân tại EVNFinance chi nhánh Đà Nẵng.
Đây là hợp đồng hợp tác đầu tư khai thác kinh doanh tại dự án Đầu tư phát triển đô thị tại phân khu số 4 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, hạng mục chung cư cao tầng HH-5-1, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Tường Vân vừa mới được thành lập vào tháng 11/2022, do bà Phùng Thị Ngọc Anh (SN 1999) làm Tổng giám đốc. Tính tới thời điểm hiện tại, Tường Vân có ít nhất 4 lần mang tài sản thế chấp tại EVNFinance, trong đó, 2 tài sản đảm bảo có tổng giá trị hơn 720 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp khác do bà Ngọc Anh đang đứng tên là Công ty TNHH Xây dựng và Tư vấn Đầu tư Đại Việt và Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Nhà ở Phú Quý cũng có nhiều lần mang tài sản thế chấp tại EVNFinance trong 2 năm trở lại đây.
Tính đến cuối năm 2023, EVNFinance ghi nhận 235 tỷ đồng khoản cho vay khách hàng đối với CTCP Amya Holdings. Trong khi CTCP Quản lý quỹ Amber sở hữu 674 tỷ đồng giấy tờ có giá nắm giữ do EVF phát hành và 271 tỷ đồng tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại EVF.