Ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT SHS tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. |
Theo báo cáo thường niên năm 2023, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán SHS) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu và thu nhập khác đạt 1.844 tỷ đồng, tăng gần 26% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế 1.035 tỷ đồng, tăng 51%.
Theo SHS, thị trường chứng khoán 2024 được dự báo sẽ tích lũy trên vùng điểm số cao hơn. Vùng đáy của VN-Index năm nay trong khoảng 1.100 điểm, còn vùng đỉnh trong kịch bản tích cực có thể đạt tới 1.350 điểm - 1.400 điểm. “VN-Index có thể kết năm trong khoảng 1.250 điểm - 1.300 điểm, tương ứng với mức tăng 10,6% - 15,5% so với năm 2023, thanh khoản thị trường dự báo sẽ tăng 20%,” SHS dự báo.
Cũng trong báo cáo thường niên, ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT SHS cho biết, trong năm 2022, công ty đã tăng quy mô vốn điều lệ lên 8.132 tỷ đồng và sử dụng số tiền huy động được để nâng cao năng lực tài chính và mở rộng quy mô cho vay margin, với mức tăng trưởng đạt 33% năm 2023.
Theo ông Vinh, cơ hội trong phân khúc nhà đầu tư cá nhân còn rất lớn, đặc biệt là các cá nhân có giá trị tài sản ròng lớn, trong trung và dài hạn có nhu cầu cao về quản lý tài sản hiệu quả.
Đối với hoạt động đầu tư cổ phiếu của SHS, mặc dù chưa đạt kỳ vọng trong năm 2023 nhưng với danh mục đầu tư tập trung vào các công ty có nền tảng cơ bản, tiềm năng tăng trưởng lớn và tình hình tài chính lành mạnh, ông Vinh tin rằng kết quả của mảng hoạt động này trong năm 2024 sẽ tích cực hơn rất nhiều.
“Tôi cho rằng trên nền tảng mặt bằng lãi suất thấp, lạm phát cơ bản được kiểm soát và sự phục hồi từng bước của nền kinh tế, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán của Chính phủ, cùng với việc đưa hệ thống KRX vào vận hành..., thị trường sẽ có những vận động tích cực cả về điểm số và thanh khoản. Khi đó, danh mục tự doanh mà chúng tôi dày công xây dựng, đầu tư trong năm 2023 sẽ tới ngày hái quả,” Chủ tịch SHS chia sẻ.
Trong năm 2023, SHS chi mạnh cho hoạt động tự doanh, với tổng giá trị đầu tư gốc tại thời điểm cuối năm gần 5.400 tỷ đồng (tăng gần 700 tỷ đồng so với đầu năm) – chiếm 47% tổng tài sản. Trong đó, danh mục FVTPL gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với cuối quý 3/2023. Công ty nắm giữ gần 3.000 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, tăng 1.200 tỷ đồng so với cuối quý 3. Còn lại là cổ phiếu chưa niêm yết, trái phiếu niêm yết và chưa niêm yết.
Khoản đầu tư cổ phiếu lớn nhất là EIB với giá gốc 311 tỷ đồng. Hai cổ phiếu bán lẻ MWG và FRT cũng chiếm tỷ trọng lớn với giá trị gốc lần lượt là 278 tỷ đồng và 299 tỷ đồng. SHS nắm giữ EIB từ khá lâu với tỷ trọng lớn, trong khi bộ đôi cổ phiếu bán lẻ MWG và FRT mới được mua mạnh trong quý 3 và quý 4 vừa qua.
SHS lãi năm 2023 gấp 3 lần cùng kỳ, đang 'găm' hai cổ phiếu bán lẻ
Danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) có giá gốc hơn 475 tỷ đồng, rót vào 2 cổ phiếu SHB và TCD. Thời điểm cuối năm 2023, công ty chứng khoán này đang tạm lãi hơn gấp đôi với khoản đầu tư 275 tỷ đồng vào SHB nhưng lại tạm lỗ nặng 118 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào TCD (giá gốc 200 tỷ đồng).
Thông tin đáng chú ý khác được Chủ tịch SHS tiết lộ trong báo cáo thường niên là trong năm nay công ty sẽ thay đổi nhận diện thương hiệu, đồng thời thay đổi trụ sở chính.