Chủ tịch Đào Mạnh Kháng (giữa) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – UPCoM: ABB) được tổ chức thành công ngày 5/4 tại Tòa nhà Geleximco, 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội với sự tham dự của 224 cổ đông, đại diện cho 74,09% tổng số phiếu có quyền biểu quyết.
Tính đến ngày 23/12/2023, tổng tài sản của ABBank tăng 25% so với thời điểm đầu năm lên 161.981 tỷ đồng, đạt 118% so với kế hoạch năm 2023. Tổng huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng 26% lên 115.654 tỷ đồng, vượt 13% so với kế hoạch. Tổng dư nợ tăng 15,7% lên 102.448 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ABBank ở mức 2,17%, đảm bảo dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tuy nhiên, trong năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ABB chỉ đạt 513 tỷ đồng, giảm 69,6% so với năm 2022 và đạt chưa tới 20% kế hoạch đề ra.
Phản hồi về vấn đề trên, ông Đào Mạnh Kháng – Chủ tịch HĐQT ABBank xin nhận trách nhiệm trước cổ đông về việc lợi nhuận trước thuế năm 2023 chưa đạt kế hoạch theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông giao, một phần do công tác dự báo, lập kế hoạch chưa sát thực tế.
Ông Đào Mạnh Kháng đánh giá 2023 là một trong những năm ‘trũng’ nhất của ngân hàng này. Sau khi mời bên thứ ba là công ty tư vấn McKinsey, ngân hàng đã có cái nhìn thực chất, và nhận thấy sức cạnh tranh của ABBank vẫn còn rất thấp.
Bên tư vấn đã đánh giá thực trạng và phân tích những điểm yếu để ngân hàng có thể thay đổi.
“Không còn cách nào khác, chúng ta phải thay đổi toàn diện, kể cả từ quy trình tín dụng phục vụ khách hàng quá dài, sản phẩm thì không cạnh tranh, quy trình rối rắm, năng lực của hệ thống thì còn yếu. Sự thay đổi lớn là điều cần thiết, và tôi nghĩ đây là quyết định dũng cảm của các cổ đông cũng như HĐQT,” ông Đào Mạnh Kháng chia sẻ với cổ đông.
Theo ông Kháng, ở những thời điểm khó khăn như thế này, việc sẵn sàng thay đổi là điều không phải ngân hàng nào cũng dám đối diện.
Chủ tịch HĐQT Đào Mạnh Kháng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
Sang năm 2024, ABBank đề xuất kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Đối với nhiều cổ đông tại đại hội, đây là con số khá khiêm tốn, so sánh với kế hoạch tổng tài sản đạt 170.000 tỷ đồng của ngân hàng này.
Chủ tịch Đào Mạnh Kháng cho biết, khi đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 là 1.000 tỷ đồng, ngay cả các thành viên HĐQT cũng tự hỏi tại sao thấp như vậy. Tuy nhiên, con số này đã là "khát vọng" của ABBank, căn cứ vào kết quả kinh doanh thực tế trong năm 2023 - kỳ báo cáo "trũng" nhất của ngân hàng này.
Năm 2023, ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận 2.800 tỷ đồng, nhưng kết quả chỉ đạt được hơn 500 tỷ đồng. Các cổ đông cần nhìn thẳng vào những vấn đề đang tồn tại của ngân hàng. Tỷ lệ CASA của ABBank đã rơi xuống vị trí cuối cùng trong hệ thống; sức cạnh tranh của sản phẩm cũng nằm trong nhóm cuối cùng của các ngân hàng thương mại trên thị trường.
Theo ông Kháng, năm 2023, chỉ số NIM (tỷ suất thu nhập lãi thuần) của ABBank "giảm khủng khiếp". Các ngân hàng lớn đang có lợi thế lớn, khi nguồn huy động của các đơn vị này được duy trì, chi phí vốn thấp. Trong khi bản thân ABBank thì phải gánh chi phí cao, lãi suất cho vay lại giảm xuống.
Về nợ xấu, các khoản cho vay của ABBank đều có tài sản đảm bảo nhưng khi xảy ra nợ xấu thì thu hồi tài sản cũng không phải là dễ dàng. Đến cuối tháng 3 vừa qua, tỷ lệ nợ xấu của ABBank đã bắt đầu dừng lại, không tiếp tục tăng. Ban lãnh đạo ngân hàng này hy vọng đây là động lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng.
Quyền Tổng giám đốc ABBank Phạm Duy Hiếu thì có cái nhìn tích cực hơn, ông cho rằng ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng cũng dự kiến trích lập dự phòng rủi ro năm nay lên đến 1.400 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa ngân hàng phải kiếm được khoảng 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng. Đây không phải là con số khiêm tốn, vì nó tương đương với lợi nhuận 2.500 tỷ đồng.
Theo ông Hiếu, ABBank không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng, tăng lợi nhuận bằng mọi giá. Lợi nhuận và tính lành mạnh của danh mục cần phải song hành với nhau. ABBank đã xây dựng lộ trình đi đến mục tiêu vốn hóa 3 tỷ USD vào năm 2028, tổng tài sản đạt 15 tỷ USD một cách lành mạnh nhất.
Về việc đổi sàn, Chủ tịch Đào Mạnh Kháng cho biết trong nhiều đại hội qua, đây là chủ đề luôn được cổ đông ABBank quan tâm. Khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, ngân hàng có thể huy động nguồn vốn nhàn rỗi trên thị trường tốt hơn.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ quản trị thông tin một cách minh bạch hơn. Đây là điều các cổ đông lớn như IFC và Maybank yêu cầu. Việc chuyển sàn sẽ tăng giá trị cổ phiếu ABB, ban lãnh đạo hoàn toàn đồng ý với nhiệm vụ niêm yết cổ phiếu lên sàn HNX hoặc HoSE.
Tuy nhiên, sau khi có những đánh giá chung về nền kinh tế, HĐQT cũng như đối tác tư vấn là McKinsey chưa vội lên kế hoạch chuyển sàn trong năm 2024.
Theo lộ trình 5 năm mà công ty McKinsey xây dựng, ABBank đặt ra mục tiêu vốn hóa 3 tỷ USD vào năm 2028. Để đạt mục tiêu này, vẫn sẽ còn nhiều cú hích như M&A hay gọi vốn từ bên ngoài, phối hợp với việc niêm yết hay có cổ đông lớn mới.
Về giá cổ phiếu ABB, Chủ tịch ABBank Đào Mạnh Kháng cho biết ngân hàng không kiểm soát giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Theo ông, ai cũng muốn giá trị cổ phiếu tăng lên, trong thời gian vừa qua, thị trường và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng vẫn giữ được mức độ tăng trưởng lợi nhuận tốt. Trong khi đó, ABBank là ngân hàng nhỏ, sức cạnh tranh chưa thực sự cao.
ABB hiện đã thuê hãng tư vấn McKinsey để giúp ngân hàng nâng cao sự cạnh tranh, nhìn về mục tiêu dài hạn hơn.
Khi được hỏi về vai trò của các cổ đông lớn ngoại là IFC và Maybank, Chủ tịch ABBank cho biết các đối tác luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp ngân hàng phát triển một cách chuyên nghiệp, đơn cử như việc cử người vào HĐQT ABBank trong nhiều năm qua.