Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh khẳng định không có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát. |
Khoản nợ của Bamboo Airways vẫn được đảm bảo
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tổ chức ngày 26/4, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank Dương Công Minh đã có những chia sẻ với cổ đông về những sự việc xoay quanh vụ Vạn Thịnh Phát và bài đăng trên Facebook của một tài khoản cá nhân mang tên "THANG DANG"
Theo ông Minh, là cổ đông lớn nhất của Sacombank nên những tin đồn ảnh hưởng đến ông cũng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Sacombank và các cổ đông.
Chủ tịch Sacombank khẳng định: Tôi không liên quan gì tới bà Trương Mỹ Lan và cũng không liên quan tới các vụ việc của bà ấy. Vụ việc của bà Lan đã được kết luận điều tra, có cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát và đã được Toà án xử lý. Tôi không liên quan một câu, một chữ, một dấu chấm, một dấu phẩy nào trong kết luận điều tra vụ án này. Ông Minh khẳng định, cho rằng đây là tin đồn xuất phát từ hiềm khích cá nhân.
Sacombank bác bỏ thông tin bịa đặt trên Facebook
"Nếu có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan cũng như Vạn Thịnh Phát, tôi không bao giờ ngồi đây được. Tôi đảm bảo với quý vị, trong mọi trường hợp tôi đều hướng về ngân hàng, vì ngân hàng," ông Minh nói với cổ đông.
Thông tin thêm về khoản nợ của Bamboo Airways, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank cho biết, dư nợ của Bamboo Airways hiện nay còn 3.583 tỷ đồng. Đối với Bamboo Airways, Sacombank là ngân hàng cho vay vốn, khoản nợ này nằm trong nhóm 1.
Đối với việc tái cấu trúc cổ đông, trước đây, nếu như khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Bamboo và FLC thì hiện nay khi nhóm cổ đông mới vào, ngân hàng cũng thuyết phục nhóm cổ đông mới đưa thêm tài sản là bất động sản làm đảm bảo, để đảm bảo toàn bộ dư nợ của Bamboo Airways.
"Hiện nay khoản nợ đã được đảm bảo 100% bằng các bất động sản mới và còn cả tài sản đảm bảo cũ nên chắc chắn khoản vay không có khả năng mất vốn vì tài sản đảm bảo có giá trị cao. Cổ đông có thể yên tâm," bà Diễm chia sẻ.
Toàn cảnh đại hội. Ảnh: Đình Phạm |
Sẽ trả cổ tức sau khi hoàn tất tái cơ cấu
Tại đại hội, Sacombank cũng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng tài sản tăng 10% lên 724.000 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động tăng khoảng 10% lên 636.600 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng tăng 11% lên 535.800 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 10.600 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Lãnh đạo Sacombank cho biết tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh và công bố hoàn thành Đề án tái cơ cấu sớm hơn thời hạn.
Theo phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2023, sau khi trừ đi thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại năm ngoái của Sacombank là 5.717 tỷ đồng, lợi nhuận giữ lại các năm trước là 12.671 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lợi nhuận giữ lại lũy kế của ngân hàng đang ở mức 18.387 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sacombank tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức.
Trong phần thảo luận, ông Dương Công Minh cho biết năm 2017, khi đó có lãi dự thu lớn hơn vốn chủ sở hữu, tức bản chất là âm vốn chủ sở hữu. Thời điểm đó, NHNN cho Sacombank tái cơ cấu nên mới có thể giữ được tài sản, cổ đông giữ được cổ phần.
Sau 7 năm tái cơ cấu, vốn chủ sở hữu đã hơn 45.700 tỷ đồng, tổng tài sản và dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng qua các năm. Vào thời điểm bắt đầu tái cơ cấu, nợ xấu và tài sản ngưng đọng khoảng 94.000 tỷ đồng trên dư nợ 222.000 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 42% hiện còn gần 7%.
"Sacombank là ngân hàng đặc thù, thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện ngân hàng còn vấn đề liên quan đến 32% cổ phần của ông Trầm Bê. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu khi đó Sacombank mới được chia cổ tức," ông Dương Công Minh cho biết.
Về phương án xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và người liên quan, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng thông tin, đề án tái cơ cấu đã trình NHNN, do yếu tố khách quan nên cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn. NHNN cơ bản đã đồng ý chủ trương của Sacombank và sẽ trình Chính phủ. Số cổ phiếu này sẽ đưa đấu giá công khai, đảm bảo minh bạch, đảm bảo khả năng thu hồi nợ cho ngân hàng.