Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VPBank, về mặt năng lực tài chính và quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Ông Dũng cho biết những ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc đối mặt với một vấn đề là lỗ lũy kế rất lớn, bản thân ngân hàng cũng tiếp tục thua lỗ. Nếu xét đơn thuần ở góc độ tài chính, hầu hết các ngân hàng không thiết tha gì đối với việc tham gia tái cơ cấu.
Với VPBank, sau sự tham gia của đối tác chiến lược SMBC, ngân hàng có một nền tảng vốn vững mạnh.
“Trong chiến lược phát triển của VPBank, tăng trưởng quy mô là một trọng điểm. Với việc tham gia tái cơ cấu, dưới góc độ tài chính, chúng ta không nhận về được nhiều, tuy nhiên vẫn có một số ưu điểm lớn,” ông Ngô Chí Dũng nói.
Về mặt tăng trưởng tín dụng, với nền tảng vốn hiện có, VPBank sẽ được tăng trưởng tín dụng ở quy mô cao hơn. Theo Chủ tịch VPBank, VPB sẽ đạt được điều này khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng '0 đồng'.
Bên cạnh đó, VPBank cũng sẽ được nới giới hạn sở hữu nước ngoài. Hiện tại, khối ngoại chỉ được nắm 30% vốn điều lệ, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn nâng tỷ lệ sở hữu.
“Với việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng và được mở room nước ngoài lên hơn 30%, đây là một điều kiện rất quan trọng trong việc tăng quy mô vốn của VPBank,” Chủ tịch VPBank nhận định.
Tài liệu trình cổ đông của VPBank nêu rõ, tại thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc (về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu) không cao hơn 5% so với quy mô tương ứng của Ngân hàng VPBank tại thời điểm 31/12/2023.
Đồng thời, vốn điều lệ của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc không quá 5.000 tỷ đồng. VPBank cũng cho biết, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do Ngân hàng VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.