Chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh cho hộ kinh doanh (HKD) Việt Nam sáng 15/10, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, hiện nay chưa có chính sách nào trực tiếp hướng đến đối tượng HKD trong các gói hỗ trợ.
“Các Nghị quyết Chính phủ hiện nay không phân biệt HKD, mà cứ đối tượng nào phát sinh hoạt động kinh doanh và có nộp thuế thì sẽ được hỗ trợ khi có chính sách. Ví dụ, Nghị quyết của Bộ Tài chính trình Quốc hội về việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm của năm 2021 cũng bao gồm cả đối tượng HKD”, bà Thuý nói.
“Nhưng hiện nay chưa có chính sách nào trực tiếp hướng đến đối tượng HKD trong các gói hỗ trợ do thiếu cơ sở pháp lý. Trong khi đó, hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đều đã có cơ chế hỗ trợ. Trong thời gian tới, chúng tôi đang nghiên cứu trình Quốc hội xem xét đưa đối tượng HKD vào chính sách cấp bù lãi suất hay hỗ trợ chuyển đổi số trong hợp tác xã. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận do thách thức về cơ sở pháp lý”, bà Thuỷ cho biết.
Hộ kinh doanh là một trong những khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 |
Dồn dập nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động của HKD
Nhận định về khó khăn của HKD, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: “Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ từ rất sớm, khoảng tháng 3/2020. Tính đến hết năm 2020, tổng giá trị các gói hỗ trợ tài khóa quy ra giá trị thực ước tính lên tới 100 nghìn tỷ đồng. Chính sách tiền tệ ước tính khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng, chủ yếu thông qua cơ chế giảm lãi suất, miễn thuế phí cho doanh nghiệp và một phần HKD”.
“Năm nay, Chính phủ tiếp tục vào cuộc quyết liệt với hàng loạt nghị quyết, quyết định quan trọng như Nghị quyết 52, Nghị quyết 68... Ước tính tổng hỗ trợ tài khóa trong 9 tháng đầu năm khoảng 90 nghìn tỷ. Từ nay đến cuối năm, hỗ trợ tiền tệ có thể lên tới 50 nghìn tỷ”, ông Lực nói.
Theo ông Lực, điểm sáng lớn nhất là các gói hỗ trợ này đã giúp doanh nghiệp và HKD phần nào giải quyết khó khăn về dòng tiền, hạn chế tối đa sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nó vẫn chưa giải quyết triệt để 4 khó khăn lớn của doanh nghiệp và HKD bao gồm: thách thức tiếp cận dòng tiền; thách thức lao động; thách thức khi khách hàng, đối tác cũng bị gián đoạn hoạt động vì dịch; và cuối cùng là thách thức chi phí hoạt động, sản xuất tăng nhanh do cước logistics, giá hàng hóa nguyên vật liệu và giá điện tăng.
“Dồn dập nhiều yếu tố đang tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và HKD”, ông Lực nhấn mạnh.
Khó khăn của HKD trong dịch COVID-19, theo kết quả khảo sát trên 1.018 HKD được thực hiện bởi VEPR kết hợp với BIDV và FNF |
Đồng quan điểm với TS.Cấn Văn Lực, bà Bùi Thu Thủy cũng cho rằng thách thức về dòng tiền và tiếp cận tín dụng là vấn đề nhức nhối, nhất là với hình thức HKD.
“Việc tiếp cận tín dụng của HKD hiện nay chủ yếu dựa vào quan hệ của chủ hộ với ngân hàng; và đứng trên vai trò cá nhân nhiều hơn là tổ chức với uy tín được thừa nhận. Nguyên nhân chủ yếu là do HKD chưa được chính danh trong tư cách pháp lý, nên số tiền cho vay so với tài sản thế chấp hiện vẫn đang ở mức rất thấp”, bà Thuỷ nói.
Từ góc độ chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực đưa ra 4 kiến nghị nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp cũng như HKD trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, qua đó thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội.
“Một là những gói hỗ trợ có rồi, theo tôi phải khẩn trương triển khai. Chẳng hạn, gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đến nay mới chỉ thực hiện được khoảng 60-65%, gói cho vay lãi suất 0% để hỗ trợ trả lương người lao động mới tiến hành được khoảng 6%, tốc độ chậm quá.
Hai là tháo gỡ ngay những vướng mắc trong cơ chế chính sách thời gian qua. Trước đó, Chính phủ đã ban hành quyết định sửa đổi Nghị quyết 68 về các yêu cầu quyết toán thuế, nợ xấu để giúp doanh nghiệp, HKD tiếp cận tín dụng thuận tiện hơn. Tôi cho rằng khâu sửa đổi chúng ta đang làm tốt nhưng còn hơi chậm. Quan điểm của tôi, phải giao deadline cho từng gói, gói hỗ trợ này thực thi trong 1 tháng, gói hỗ trợ kia thực thi trong 2 tháng…
Ba là dứt khoát không để hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra. Chính phủ mới đây vừa ban hành Nghị quyết 128 về việc sống chung an toàn với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Đây là một nghị quyết quan trọng của Đảng và Nhà nước, mang tính thay đổi tư duy về công tác phòng chống dịch ở nước ta, cần được áp dụng thực hiện nhất quán, đồng bộ.
Cuối cùng, kiến nghị Chính phủ cùng Quốc hội tiếp tục tung ra các gói hỗ trợ khác to hơn, quy mô hơn, giúp doanh nghiệp và HKD vượt qua thách thức trong thời điểm khó khăn này”, ông Lực nhấn mạnh.
Thời gian tới, việc giải ngân các gói hỗ trợ sẽ nhanh chóng hơn
Liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng, bà Bùi Thu Thủy cho hay trong giai đoạn vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao để hỗ trợ toàn nền kinh tế cũng như từng đối tượng cụ thể trong nền kinh tế.
“Tôi thừa nhận trong giai đoạn đầu, một trong những yếu tố góp phần làm chậm quá trình giải ngân hỗ trợ là vấn đề thủ tục. Tuy nhiên, Chính phủ đã nhanh chóng tìm cách gỡ nút thắt bằng các văn bản, quyết định sửa đổi bổ sung kịp thời. Cho đến nay, tôi đánh giá với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc giải ngân các gói hỗ trợ hiện tại chắc chắn sẽ nhanh chóng hơn”, bà Thủy cho hay.
Theo bà Thủy, hiện Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng chương trình phục hồi kinh tế, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư 4 chương trình lớn, bao gồm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và phục hồi các khu vực kinh tế.
Chính phủ đang xem xét các chủ trương như dùng Ngân sách Nhà nước để xây dựng gói cấp bù lãi suất cho khu vực doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng cân nhắc nhiều biện pháp hỗ trợ khác như dùng Ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho các khu cụm công nghiệp để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh khôi phục nhanh nhất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng./.