Bà Nghiêm Phương Nhi (giữa) giữ chức Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Nhất Việt. |
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức sáng 20/4, CTCP Chứng khoán Nhất Việt (mã VFS) đã bầu ra HĐQT mới nhiệm kỳ 2024-2029, gồm bà Nghiêm Phương Nhi, ông Trần Anh Thắng, bà Nguyễn Thị Lan, ông Hoàng Thế Hưng và ông Nguyễn Xuân Điệp.
Ngay sau đại hội, HĐQT cũng quyết định bầu bà Nghiêm Phương Nhi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT VFS. Bà tốt nghiệp Cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Saxion – Deventer - Hà Lan, và hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Đại học Tổng hợp Nijmegen – Hà Lan chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.
Từ năm 2008 - 2023, bà Phương Nhi là Trưởng ban Đầu tư tài chính Tập đoàn Viettel, đồng thời giữ các vị trí cấp cao trong các tổ chức lớn như thành viên HĐQT Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel, thành viên HĐQT Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, thành viên HĐQT Tổng CTCP Công trình Viettel.
ĐHĐCĐ Chứng khoán Nhất Việt: Mục tiêu lợi nhuận tăng 45%, tăng vốn gấp đôi
Hiện tại, bà Phương Nhi đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư tài chính Hoà An và Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý quỹ Amber.
Thị trường về dài hạn vẫn tích cực
Năm nay, Chứng khoán Nhất Việt đặt kế hoạch tổng doanh 282 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023; trong đó doanh thu từ dịch vụ tài chính chiếm trọng yếu với 145 tỷ đồng, doanh thu từ môi giới là 62 tỷ đồng. Công ty dự kiến lợi nhuận sau thuế ở mức 124 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023.
Theo ông Trần Anh Thắng - Tổng giám đốc VFS, 4 tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch tương đối sôi động, ngay cả trong giai đoạn suy giảm vừa qua. Vì vậy, Chứng khoán Nhất Việt kỳ vọng thanh khoản duy trì tương đối tốt trong năm 2024. Nhờ đó, công ty sẽ có thêm doanh thu, lợi nhuận từ dịch vụ môi giới.
“Cùng với đó, hệ thống KRX liên tục được nhắc đến từ tháng 2 đến nay, cơ quan quản lý liên tục triển khai các đợt kiểm thử. Thị trường đang kỳ vọng hệ thống sẽ sớm đi vào hoạt động, giúp tăng quy mô thanh khoản, tiện ích, và các công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi chung,” ông Thắng chia sẻ với cổ đông.
Lý giải về đợt sụt giảm của thị trường trong tuần qua, ông Trần Anh Thắng cho rằng nhà đầu tư nước ngoài là nguyên nhân lớn. Việc các quỹ ngoại cơ cấu danh mục dù không ồ ạt nhưng cũng ảnh hưởng ít nhiều. Từ đầu tháng 4, diễn biến các kênh đầu tư có sự đảo chiều (giá vàng lên, đồng USD cũng có biến động, lãi suất tiết kiệm nhúc nhích tăng trở lại...). Vì vậy, việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn là điều xảy ra trong ngắn hạn.
Cùng với đó là các yếu tố ảnh hưởng khác, điển hình như liên quan đến tình hình địa chính trị thế giới, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư về tính ổn định, bền vững của thị trường. Tuy nhiên, CEO VFS đánh giá thị trường về dài hạn vẫn tích cực và tạo cơ hội kinh doanh cho công ty.
Năm nay, VFS kỳ vọng thị trường xoay quay 1.100-1.300 điểm. Thực tế, đội ngũ phân tích của Nhất Việt dự báo tương đối chính xác chu kỳ thị trường, biến động chỉ số trong 3 năm qua, giúp đóng góp cho định hướng, kế hoạch của ban điều hành, giúp hoạt động kinh doanh tương đối ổn định và an toàn.
Liên quan đến kế hoạch huy động 1.200 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu và dành phần lớn cho doanh, ông Trần Anh Thắng chia sẻ, tất cả các đơn vị tài chính đều có công cụ phòng ngừa cho hoạt động đầu tư. Với Nhất Việt, tỷ trọng danh mục đầu tư cổ phiếu chỉ tối đa 7-10% vốn chủ, chỉ chọn cổ phiếu và thị trường có cơ hội đầu tư.
Với trái phiếu doanh nghiệp, Nhất Việt không tham gia, định hướng này được giữ nguyên từ 2021 tới nay. Thay vào đó, công ty đầu tư trái phiếu Chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng để phòng ngừa rủi ro. Việc tận dụng kỳ hạn, NIM lãi suất chênh giữa các kỳ hạn để cơ cấu nguồn vốn vừa làm tăng trưởng kết quả hoạt động vừa an toàn.
“Hiệu suất đầu tư các sản phẩm này cũng rất tốt. Từ giữa 2023, VFS đầu tư vào trái phiếu tổ chức tín dụng với lãi suất 7,2-7,5%, thậm chí 8%. Năm nay để tìm được các gói trái phiếu như vậy gần như không có. Việc này giúp sinh ra dòng tiền ổn định cho hoạt động tự doanh,” CEO Trần Anh Thắng chia sẻ.