Chứng khoán Việt Nam lần đầu có cổ phiếu vượt ngưỡng 1 triệu đồng

VNZ VNG
11:30 - 13/02/2023
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần tiếp tục chứng kiến sự bứt tốc của “kỳ lân” công nghệ VNG (UpCOM: VNZ) bất chấp diễn biến không mấy tích cực của thị trường chung.

Mở cửa sáng 13/2, cổ phiếu VNZ có thêm một phiên tăng kịch trần thêm 134.000 đồng/CP (+15%) với vỏn vẹn 100 cổ phiếu khớp lệnh.

Nếu giữ được thị giá này tới cuối phiên, đây sẽ là phiên thứ 9 liên tiếp cổ phiếu này tăng kịch trần, đẩy thị giá VNZ từ 240.000 đồng/CP lên mức 1.027.400 đồng/CP và trở thành cổ phiếu đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chạm ngưỡng 1 triệu đồng/CP.

Đáng chú ý, ở phiên trước đó, VNZ mới phá kỷ lục thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán được giữ bởi BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định vào tháng 5/2007. Ngoài ra, VNZ cũng là cái tên đầu tiên trong lịch sử có một phiên tăng trên 130.000 đồng/cp. Con số cao hơn thị giá của hầu hết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Giải trình về đà tăng “nóng” của cổ phiếu VNZ thời gian qua, đại diện VNG cho biết giá cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua.

Nhờ mạch tăng “nóng”, vốn hóa thị trường của VNG nhanh chóng được đẩy lên mức 36.826 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,56 tỷ USD, gấp 4,3 lần thời điểm chào sàn.

Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh cao mà “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam từng chạm đến. Năm 2019, VNG đã được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao "ngất ngưởng" khi Công ty QLQ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.

Cổ phiếu VNZ tăng kịch trần bất chấp diễn biến không mấy tích cực của thị trường chung trong phiên sáng 13/2.

Tính đến 10h50 sáng, VNIndex giảm 9,13 điểm (0,87%) xuống còn 1.046 điểm trong khi HNX cũng giảm 2,73 điểm (1,31%) xuống còn 205,78 điểm.

Hầu hết các ngành nghề trên sàn đều đi xuống, trong đó bất động sản là một trong những mảng tiêu cực nhất với hàng loạt mã giảm sàn như KHG, NVL, PTL, PDR; nhiều mã khác cũng có biên độ giảm điểm rộng như HPX (6,8%), DRH (6,2%), DIG (6%), DXG (6,5%)…

Nhóm ngân hàng cũng không khả quan hơn là bao nhiêu khi chỉ có 4 mã tăng điểm nhẹ và đều dưới 1,2% là STB, TPB, VCB và BID. Các mã giảm điểm mạnh bao gồm KLB (4,3%), EIB (4,1%), OCB (3,6%)…

Tin liên quan

Đọc tiếp