Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố thị phần môi giới cổ phiếu niêm yết quý IV và cả năm 2022.
Trên sàn HNX, Chứng khoán VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần trong quý 4/2022 với tỷ trọng 22,2%, thu hẹp gần 1% từ mức 23,01% trong quý III/2022.
VNDIRECT đứng vị trí số 2 về thị phần môi giới cổ phiếu trên HNX với 9,84%, tăng gần 1% so với quý trước. Vị trí thứ ba thuộc về Chứng khoán SSI với thị phần môi giới HNX 7,1%, cải thiện 0,77% so với quý trước.
Trong khi đó, Chứng khoán MBS và Chứng khoán TCBS hoán đổi vị trí cho nhau, lần lượt giữ vị trí thứ 4 và thứ 5 với 4,98% và 4,51%.
Đáng chú ý, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) bị loại khỏi top 10 thị phần. Thay thế BSC ở vị trí thứ 10 là Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị phần 3,1%.
Tính chung trong cả năm 2022, VPS với 21,16% ghi nhận 3 năm liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới HNX.
Xếp vị trí thứ 2 về thị phần môi giới cổ phiếu HNX năm 2022 là Chứng khoán VNDIRECT với 10%, tiếp theo là SSI, TCBS, MBS với lần lượt 6,89%; 5,98% và 4,45%.
Khác biệt so với năm 2021, trong khi Chứng khoán SHS và Chứng khoán HSC đã ra khỏi Top 10, Chứng khoán KB Việt Nam và Chứng khoán Vietcombank đã góp mặt trong danh sách này, đứng vị trí thứ 8 và 10 với 3,12% và 2,76% thị phần.
Trên sàn UPCoM, VPS dẫn đầu thị phần môi giới quý IV, chiếm 19,24% dù ghi nhận giảm 4,89 điểm % so với quý trước.
Chứng khoán Tân Việt, Chứng khoán Mirae Asset và Chứng khoán Vietcombank bị loại khỏi top 10, thế chỗ là Chứng khoán Bảo Việt (4,75%), Chứng khoán Bản Việt (4,44%) và Chứng khoán KB Việt Nam (3,29%).
Tính chung cả năm 2022, VPS là CTCK nắm thị phần môi giới lớn nhất sàn UPCoM với thị phần 23,22%, vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về VNDirect (9,65%), SSI (6,55%), TCBS (5,24 %)…
Về Chứng khoán VPS, quý III/2022, VPS ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 2.316 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới giảm 25%, xuống gần 635 tỷ đồng. Tại mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 11% so với cùng kỳ, còn 1.180 tỷ đồng. Tương tự, lỗ từ FVTPL cũng giảm 11%, xuống còn 1.233 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, VPS báo lãi trước thuế quý III/2022 gần 330 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Năm 2022, VPS đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/09/2022, tổng tài sản của của VPS giảm 35% so với đầu năm, còn gần 17.529 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ cho vay gần 8.402 tỷ đồng, tăng hơn 20%, chiếm chủ yếu là dư nợ margin đạt gần 7.953 tỷ đồng (giảm 11%); còn lại ứng trước tiền bán xấp xỉ 450 tỷ đồng, giảm 72%. Về nợ phải trả, VPS ghi nhận mức nợ cuối kỳ này hơn 9.130 tỷ đồng, giảm 52% so với đầu năm, chiếm 85% tỷ trọng là vay nợ thuê ngắn hạn đạt gần 7.755 tỷ đồng (giảm 49%).
Đến cuối quý III/2022, nhà đầu tư đang gửi hơn 18.400 tỷ đồng ở VPS, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư trong nước về giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý.