Chương trình mục tiêu quốc gia: Vướng mắc cơ bản được giải quyết, mấu chốt là giải ngân

KINH TẾ QUỐC GIA
20:07 - 30/10/2023
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Liên quan đến 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, đến nay các vấn đề liên quan đến văn bản hướng dẫn, giao vốn,... đã cơ bản được giải quyết. Vấn đề mấu chốt hiện nay là tập trung vào thực hiện giải ngân.

Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu cuối phiên thảo luận tại hội trường ngày 30/10 về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các vấn đề liên quan đến văn bản hướng dẫn, giao vốn,... đã cơ bản được giải quyết.

3 Chương trình mục tiêu quốc gia được bàn thảo gồm chương trình về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ thống nhất và đánh giá cao kết quả làm việc của Đoàn giám sát, Báo cáo của Đoàn giám sát cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng, qua giám sát, các bộ, các ngành nhận thấy rất nhiều kinh nghiệm bổ ích từ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

"Hiện nay, chúng ta đang xây dựng thêm một số chương trình mục tiêu quốc gia nữa như chấn hưng văn hóa,... Cách thiết kế chương trình phải thay đổi, rút kinh nghiệm từ 3 chương trình trước để xây dựng các chương trình mới hiệu quả hơn, tốt hơn", ông Nguyễn Chí Dũng nêu.

Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&ĐT đã phối hợp tích cực với các bộ, các ngành trong quá trình xây dựng, thiết kế chương trình, thẩm định chương trình và giúp Ban chỉ đạo điều hành. Đặc biệt, Bộ đã tổng hợp và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội Tờ trình 557 về một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong triển khai thực hiện....

Đến nay, Ban Chỉ đạo cấp Trung ương và cấp tỉnh đã được kiện toàn. Cách vận hành của Ban chỉ đạo đã đem lại nhiều kết quả tích cực, thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn lại các Ban chỉ đạo các cấp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phối hợp chặt chẽ, qua đó hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ, hiện nay cơ bản đã hoàn thành tất cả các văn bản hướng dẫn của Trung ương gồm 34 văn bản quy phạm pháp luật, 75 văn bản thông thường. Mặc dù vậy, ông cũng rút kinh nghiệm về việc ban hành các văn bản còn chậm, trong đó có một văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng mong các đại biểu chia sẻ với khối lượng văn bản rất lớn, nhiều vấn đề phức tạp, có những vấn đề mới liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, các chương trình cũng không được xem xét và phê duyệt tại một thời điểm.

Vì vậy, theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, về tổng thể chung rất khó tránh khỏi sự chồng chéo, bất cập. Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi được tích hợp từ 118 chính sách trước đây vì vậy việc tổng hợp lại thành một chính sách rất phức tạp.

Về giao vốn, vốn trung hạn của ngân sách Trung ương và địa phương đã hoàn thành và bảo đảm theo quy định. Hiện nay, văn bản hướng dẫn, giao vốn, các vấn đề vướng mắc, bất cập cơ bản đã được giải quyết. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vấn đề mấu chốt của các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay là tập trung vào thực hiện giải ngân.

"Lần này, khi được Quốc hội cho phép cơ chế thí điểm để giải quyết tất cả vướng mắc thì tôi tin tưởng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn tiến độ giải ngân sẽ đạt mục tiêu đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quyết tâm.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.