Công tác truyền thông chính sách của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thời gian qua đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, có bước đột phá, với các thông tin được truyền tải nhanh nhạy, hiệu quả, chính xác, có trọng tâm trọng điểm. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.
Trang fanpage Thông tin Chính phủ là một trong các trang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay, với 3,9 triệu lượt người theo dõi và lượng tương tác trên mỗi bài đăng rất lớn.
Yếu tố tạo nên sức thu hút cho trang fanpage Thông tin Chính phủ là thông tin được cập nhật liên tục, bất kể là sáng sớm hay đêm khuya. Lượng thông tin cũng rất phong phú, bao quát tất cả các lĩnh vực đời sống, từ các nghị định, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật đến các vụ việc cụ thể... Hình thức thể hiện ngắn gọn, hấp dẫn, ngôn từ trẻ trung, đan xen các gợi ý bàn luận để độc giả có thể tương tác, bày tỏ ý kiến cá nhân.
Chia sẻ với Mekong ASEAN nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, ông Nguyễn Hồng Sâm – Tổng Giám đốc CTTĐT Chính phủ, Tổng biên tập Báo Điện tử Chính phủ cho biết, nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm đến câu chuyện phản ứng chính sách và truyền thông chính sách, xây dựng thể chế. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, từ 2020 đến nay, công tác truyền thông của Chính phủ đã bước sang một giai đoạn mới để đáp ứng nhu cầu công việc trong bối cảnh đầy thách thức khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra và công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đặt ra cho Chính phủ rất nhiều nhiệm vụ.
Hệ thống truyền thông của Chính phủ hiện nay rất đa dạng. Cổng thông tin điện tử Chính phủ (CTTĐT) là nơi công bố tất các các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cập nhật hoạt động của lãnh đạo Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Báo Điện tử Chính phủ là cơ quan truyền thông của Chính phủ, có nhiệm vụ thông tin truyền thông về các hoạt động, các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và là diễn đàn của nhân dân kiến nghị lên các cấp lãnh đạo về những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống, công ăn việc làm của nhân dân…
Từ tháng 6/2022, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho ra mắt chuyên trang xây dựng chính sách. Theo ông Nguyễn Hồng Sâm, đây là lần đầu tiên có một trang đưa hết vòng đời của một chính sách, từ lúc ý tưởng xây dựng đến hội thảo, hội nghị lấy ý kiến, đánh giá, sửa đổi, phê chuẩn, ban hành, đưa chính sách vào cuộc sống và những khó khăn, vướng mắc phát sinh khi triển khai chính sách... Như với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tại trang xây dựng chính sách đã có gần 4.000 lượt ý kiến góp ý khác nhau, là những ý kiến có giá trị, có địa chỉ liên hệ rõ ràng, góp ý chuyên sâu vào từng nội dung dự thảo.
Ông Sâm cho biết, sau 1 năm, trang xây dựng chính sách đã đạt lượt người truy cập vượt xa tất cả cổng thông tin của các bộ, ngành. Điều thú vị là 80% lượng người đọc từ lứa tuổi từ 18-45, và 80% vào bằng điện thoại di động. “Vì sao một trang thông tin về chính sách lại thu hút được người trẻ như vậy? Tôi cho rằng các bạn trẻ đều rất quan tâm đến chính sách, đến công ăn, việc làm, thu nhập, học hành, thi cử... Khi có một trang thông tin đầy đủ các chính sách liên quan đến các vấn đề ấy, họ sẽ coi đó là một địa chỉ tin cậy để thường xuyên cập nhật”, ông Sâm nói.
Ngoài việc để đáp ứng nhu cầu công việc trong giai đoạn mới thì theo ông Sâm, bước tiến của công tác truyền thông Chính phủ thời gian qua còn để gia tăng sức cạnh tranh. Cạnh tranh ở đây không phải giữa báo này với báo kia mà là với thông tin sai, thông tin xấu độc; cạnh tranh vì sự thật, vì sự quan tâm đúng đắn của độc giả, vì mục tiêu làm sao để thông tin chính thống đến với độc giả nhanh nhất, hiệu quả nhất, dễ hiểu nhất và để người dân đồng thuận thực hiện.
Trong thời buổi công nghệ số lên ngôi như hiện nay, người người, nhà nhà có smartphone. Các thông tin được đăng tải tràn lan trên mạng, rất khó kiểm chứng và tạo ra một xu thế tiêu cực khi các thông tin xấu lại thường có xu hướng lan toả nhanh hơn, lấn át những thứ tốt đẹp, tích cực, dung dị.
Vì vậy, ông Sâm cho biết, phương châm truyền thông của Cổng Thông tin Chính phủ là phải “chạy cả hai chân”, thông tin phải được đưa cả trên các tờ báo chính thống và các nền tảng mạng xã hội, một cách nhanh nhất, trực diện nhất, dễ hiểu nhất, gần gũi nhất và hiệu quả nhất. Lựa chọn hình thức truyền tải phù hợp với đối tượng dùng smartphone, đồng thời chọn lọc những gì hồn cốt nhất, được quan tâm nhất, ảnh hưởng nhất đến đời sống người dân. Có như vậy, độc giả mới nhanh chóng tiếp nhận và chia sẻ rộng rãi.
Hoạt động của trang fanpage Thông tin Chính phủ thời gian qua cho thấy, mặc dù không đăng tải các thông tin giật gân câu khách, trang vẫn có lượng người theo dõi và lượt tương tác lớn.
Điều này cho thấy chỗ đứng của những thông tin chính thống, thông tin tích cực.
Không phải do cái tên, mà những gì thuộc về đời sống, liên quan đến cơm áo gạo tiền của người dân đều sẽ được quan tâm. Đó chính là vai trò của chính sách. Chính sách không phải cái gì đó khô khan, khó hiểu mà chính sách chính là cuộc sống.
Nhờ sự đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức nên có thời điểm cao điểm phòng chống dịch, trang fanpage Thông tin Chính phủ có thể tiếp cận 80% người dùng Facebook ở Việt Nam, tức là có thể lên 55-56 triệu người tiếp cận ngay lập tức thông tin. Đánh giá cao phương thức truyền thông qua mạng xã hội, Cổng Thông tin Chính phủ còn có tài khoản zalo thể cập nhật tin tức thường xuyên, với 11 triệu người theo dõi; Twitter để truyền thông điệp ra thế giới; có kênh youtube.
Theo ông Sâm, các mạng lớn của thế giới như Viber, WhatsApp cũng đang đề nghị hợp tác vì người dùng của họ cũng cần thông tin. Cổng Thông tin Chính phủ rất đề cao công tác truyền thông qua các mạng quốc tế này, để nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, giúp nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn đúng đắn, rõ ràng nhất về chính sách pháp luật, thu hút đầu tư của Việt Nam.
Nói riêng về truyền thông chính sách qua kênh báo chí truyền thống, ông Sâm cho rằng cũng cần phải đổi mới toàn diện để tiếp cận độc giả mạnh mẽ hơn. Xu thế hiện nay chính là dữ liệu, big data. Vì vậy, cơ quan báo chí phải xây dựng kho dữ liệu, phóng viên cũng phải xây dựng cơ sở dữ liệu cho riêng mình. Đặc biệt, báo chí hiện đại phải là báo chí giải pháp và đồng hành cùng độc giả, nếu chỉ nêu vấn đề mà không đưa ra được giải pháp và không đồng hành cùng độc giả thì chắc chắn họ sẽ không quay lại.
“Như năm 2023, bên cạnh nhiệm vụ chính trị số 1 là hoạt động truyền thông về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì chúng tôi cũng chọn tập trung vào việc truyền tải chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp qua việc tiếp thu các kiến nghị của họ để gửi lên Chính phủ, gửi cho các Bộ ngành, địa phương. Từ các kiến nghị đó, chúng tôi sẽ theo dõi, kết nối phản hồi qua lại giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước”, ông Sâm chia sẻ.
Ví dụ thêm về hiệu quả của báo chí giải pháp, ông Sâm nhớ lại thời điểm cao điểm Covid-19, nhiều người trong bộ máy chính quyền ở nhiều địa phương bị Covid gần hết. Người dân gửi kiến nghị lên Cổng, lên fanpage của Chính phủ. “Chúng tôi xây dựng đường dây online trực tuyến, tiếp nhận thông tin và gửi đến người có thẩm quyền xử lý, gọi điện thoại thúc giục, đi đến cùng của câu chuyện. Đó chính là câu chuyện tương tác, thể hiện rõ thông điệp ‘Chính phủ không bỏ lại ai phía sau’”, ông Sâm kể lại.
Cùng với đó, phương thức tác nghiệp, thể hiện tác phẩm cũng phải được thay đổi. Theo ông Sâm, trước đây một bài báo cứ phải đầy đủ thông tin, rồi biên tập mới đưa lên. Nhưng bây giờ, trước những vấn đề thời sự cấp bách thì nguyên tắc đó không phải là tất cả. Phóng viên có thể gọi điện trực tiếp truyền tin về tòa soạn và các khâu kiểm định, kiểm chứng thông tin, biên tập xuất bản v…v sẽ làm phần còn lại, để đảm bảo thông tin chính xác, được kiểm chứng, được giải thích và được truyền tải nhanh nhất đến cộng đồng người dùng. Tác phẩm media với hình ảnh, âm thanh, giọng nói sinh động có thể thu hút lượng người truy cập gấp 10 so với chỉ để đơn thuần là text.