Chuyên gia Dragon Capital: Thị trường chứng khoán là 'mỏ vàng' trong 5 năm tới

Dragon Capital SGI Capital
11:35 - 09/06/2022
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital tham gia thảo luận tại Invest Asean 2022.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital tham gia thảo luận tại Invest Asean 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital, thị trường chứng khoán Việt Nam rất hấp dẫn trong 5 năm tới, dựa trên những yếu tố tiềm năng như nâng hạng thị trường, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, định giá rẻ…

Thị trường đang được định giá rất rẻ

“Đã khá lâu rồi tôi mới nhìn thấy định giá nhiều doanh nghiệp cơ bản tốt về mức rẻ như hiện nay, những cổ phiếu đầu ngành có PE hay thậm chí PB rẻ nhất trong lịch sử”, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital) chia sẻ tại Invest Asean 2022. Đây là hội nghị nhà đầu tư thường niên do Chứng khoán Maybank tổ chức. Năm nay, hội nghị diễn ra trong 2 ngày 8-9/6.

Cụ thể, tại phiên thảo luận về thị trường chứng khoán Việt Nam với chủ đề “Vượt ghềnh” chiều 8/6, ông Phúc nhận định, giai đoạn hiện nay là thời kỳ các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ, dòng tiền bị rút ra nên xung lực đi lên của thị trường bị ảnh hưởng. Do vậy, việc giao dịch ngắn hạn trong xu hướng đi lên như năm 2020 và 2021 khó hiệu quả năm nay.

Tuy nhiên, ông Phúc lạc quan về kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ đi lên. Những khó khăn liên quan việc chấn chỉnh dòng tiền, Fed và các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ chỉ trong ngắn hạn. Theo đó, giai đoạn hiện nay phù hợp với dòng tiền đầu tư dài hạn hơn.

P/E thị trường 10 năm qua giao động trong khoảng 10 đến 22-23 lần. P/E hiện tại của thị trường là 13 lần. Thị trường sẽ có thể rẻ hơn với 2 điều kiện: Lãi suất có xu hướng đi lên mạnh và duy trì ở một mặt bằng cao; triển vọng nền kinh tế phải rất tệ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, cả 2 điều kiện này đều chưa thấy ở hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá rẻ, thậm chí là rất rẻ và mức P/E hợp lý nên ở mức 15-17 lần.
Tổng giám đốc SGI Capital Lê Chí Phúc

Các quỹ đầu tư lớn của thế giới đã tìm đến Việt Nam

Cùng tham gia tại phiên thảo luận, tiến sĩ Lê Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc đầu tư, Kinh tế trưởng của Dragon Capital cho biết, lạm phát là yếu tố có tác động lớn nhất thị trường chứng khoán hiện tại. Phân tích về lạm phát tại Mỹ - nơi thị trường chứng khoán có ảnh hưởng đáng kể tới thị trường Việt Nam, ông Tuấn cho biết trong 8% lạm phát của Mỹ thì 3% là do giá nhà. Lạm phát đợt này sẽ khó giảm nhanh vì các nước đang có chính sách bắt đầu tập trung vào nguồn lực trong nước. Các nước không còn giao dịch nhiều với nhau tạo ra giá dầu tăng, giá hàng hóa tăng, thiếu vốn vào kinh doanh sản xuất…

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ đã gần như phản ánh các kỳ vọng lạm phát này, với mức P/E forward khoảng 17 lần, không cao so với quá khứ. Tại Việt Nam, lạm phát lại không đáng lo ngại, vì giá thịt heo và gạo – 2 nhóm lương thực chính trong rổ tính CPI của Việt Nam không tăng giá.

Trong khi đó, giá thép xây dựng lại giảm tương đối, và giá xăng vẫn có thể điều chỉnh giảm. Cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều không gây lo ngại cho lạm phát. “Thị trường chỉ có thể xảy ra cú shock khi lạm phát trên 6%. Nhưng xác suất này là rất thấp”, Kinh tế gia trưởng Dragon Capital đánh giá.

Các diễn giả tại cuộc thảo luận về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các diễn giả tại cuộc thảo luận về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về mặt dài hạn, ông Tuấn đánh giá rất cao triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhận định “Chúng ta đang nằm trên mỏ vàng trong vòng 5 năm tới”. Cơ sở để ông Tuấn đưa ra nhận định này là việc nâng hạng lên thị trường mới nổi gần như chắc chắn, vấn đề chỉ là nhanh hay chậm. Bởi nhu cầu thúc đẩy từ hai phía, Việt Nam mong đón nhận dòng tiền đầu tư và các nhà đầu tư trên thế giới cũng muốn tìm kiếm cơ hội. Hiện cơ quan quản lý rất tích cực xử lý các nút thắt. Khi được nâng hạng, định giá thị trường ở mức PE 12 lần là vô lý.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam rẻ hơn so với các thị trường khác trong khu vực không hẳn vì bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài mà bởi thu nhập bình quân thấp, dẫn tới lượng người tham gia vào thị trường thấp hơn. Song, Việt Nam đang giàu lên rất nhanh, do vậy, lượng người tham gia vào thị trường chứng khoán sẽ tăng lên rất mạnh trong 3 năm tới. Đặc biệt, các quỹ đầu tư lớn của thế giới cũng đã tìm đến Việt Nam.

Tín hiệu tích cực nữa là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 ở mức rất tốt so với bình quân 10 năm qua. Bên cạnh đó, chất lượng bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp ngày nay đã tốt hơn xưa rất nhiều.

Tuy nhiên, chuyên gia Dragon Capital cũng lưu ý trước khi chạm đến “mỏ vàng” thì cũng phải trải qua các “hố bom”, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số tài khoán chứng khoán cá nhân mở mới trong tháng 5 vừa qua lập kỷ lục 476.332, gấp đôi so với tháng 4. Con số này cũng cao hơn 76% so với kỷ lục cũ là 270.011 tài khoản hồi tháng 3. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, cá nhân trong nước mở mới gần 1,4 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước và thấp hơn 10% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.