
![]() |
Thị trường tiếp tục điều chỉnh trong tuần giao dịch cuối tháng 3/2025. |
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch cuối tháng 3 (24-28/3/2025) giằng co khi tâm lý thận trọng tiếp tục chi phối. Dù khởi động tuần với hai phiên tăng điểm tích cực, với lực cầu yếu, VN-Index nhanh chóng quay lại trạng thái điều chỉnh. Chỉ số sau đó liên tục suy yếu với thanh khoản duy trì ở mức thấp, bất chấp các trụ lớn vẫn luân phiên giữ nhịp.
Sau nhiều lần thử thách, chỉ số VN-Index đánh mất mốc 1.320 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/3 trước sức ép từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30. Khép lại tuần cuối cùng của tháng 3, VN-Index dừng ở ngưỡng 1.317,46 điểm, giảm 4,42 điểm so với cuối tuần trước.
Thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt 18.787,4 tỷ đồng, giảm 6,5% so với nền thấp của tuần trước. Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán, khi xả ròng 2.101 tỷ đồng trong tuần vừa qua.
VN30: Sự tỏa sáng của bộ 3 Vingroup
STT | Mã | Tăng | Mã | Giảm |
1 | VIC | 9.43% | LPB | -3.88% |
2 | SHB | 8.09% | TPB | -3.73% |
3 | VHM | 6.11% | PLX | -3.63% |
4 | VRE | 5.69% | HDB | -3.26% |
5 | BVH | 1.90% | FPT | -3.13% |
Theo dữ liệu được Mekong ASEAN tổng hợp từ SSI Iboard, trong tuần giao dịch ảm đạm, chỉ có đúng 8 mã tăng điểm, với chỉ 5 mã tăng trên 1%. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu họ Vin là VIC của Tập đoàn Vingroup, VHM của CTCP Vinhomes và VRE của CTCP Vincom Retail có lần hiếm hoi cùng nhau góp mặt trong top 5 mã tăng điểm mạnh nhất VN30.
Với mức tăng 9,43%, VIC tăng mạnh nhất nhóm VN30 trong tuần vừa qua, là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index khi trực tiếp góp thêm 3,56 điểm (0,27%) cho chỉ số. VIC khởi đầu tuần giao dịch với phiên tăng kịch biên độ, sau đó tăng đều nhẹ 4 phiên còn lại.
![]() |
Diễn biến cổ phiếu VIC thời gian vừa qua. Ảnh: SSI Iboard |
VIC tăng mạnh từ đầu tháng 3/2025 đến nay, đẩy thị giá từ 41.000 đồng/CP lên 58.000 đồng/CP như hiện tại, tương đương vốn hóa 221.772 tỷ đồng, qua đó là doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán.
VHM và VRE tăng lần lượt 6,11% và 5,69%, là cổ phiếu đóng góp tích cực thứ 3 và thứ 4 cho thị trường, góp thêm tổng cộng 2,39 điểm cho VN-Index, tương đương tỷ lệ 0,18%.
Cổ phiếu đóng góp tích cực thứ 2 trong tuần là SHB của Ngân hàng SHB. Theo đó, SHB tăng hơn 8% lên 12.700 đồng/CP, đẩy thị giá lên 12.700 đồng/CP – cao nhất kể từ tháng 4/2022. Tuần trước, SHB dẫn đầu đà tăng của nhóm VN30 với mức tăng 10%. BVH của Tập đoàn Bảo Việt cũng tăng 1,9%, là cổ phiếu cuối cùng của VN30 tăng trên 1% trong tuần qua.
Trong một tuần chỉ số đi lùi, có đến 21 cổ phiếu VN30 giảm điểm, với 5 mã mất hơn 3% là FPT (-3,13%), HDB (-3,26%), PLX (-3,63%), TPB (-3,73%), LPB (-3,88%).
HOSE: Sự trở lại của cổ phiếu Hoàng Huy
STT | Mã | Tăng | Mã | Giảm |
1 | HVH | 29.84% | ORS | -14.85% |
2 | HHS | 19.77% | YBM | -12.58% |
3 | HU1 | 14.12% | IMP | -11.72% |
4 | VCF | 12.88% | SMA | -9.86% |
5 | NNC | 11.71% | YEG | -9.67% |
6 | DPR | 10.57% | TYA | -9.62% |
7 | VIC | 9.43% | PNJ | -8.48% |
8 | FIT | 9.15% | DTA | -8.13% |
9 | TSC | 8.33% | PNC | -7.50% |
10 | SHB | 8.09% | FCM | -7.43% |
Dẫn đầu đà tăng sàn HOSE tuần vừa qua là cổ phiếu HVH của CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC. HVC tăng trần 3 phiên và tăng mạnh 2 phiên còn lại, đẩu thị giá lên 12.400 đồng/CP, tăng tương ứng 29,84% so với cuối tuần trước. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng từ chỉ vài trăm nghìn đơn vị giao dịch lên hơn một triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Đứng thứ 2 trong nhóm tăng điểm, là cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy với mức tăng 19,77% lên 10.300 đồng/CP. HHS từng chứng kiến nhịp giảm mạnh vào tháng 7/2024, đẩy thị giá từ trên 11.000 đồng/CP về vùng 7.000 đồng/CP. Nhịp tăng trong tuần qua đã giúp HHS có lần đầu quay về trên mệnh giá (10.000 đồng/CP) kể từ tháng 7/2024.
![]() |
Diễn biến cổ phiếu HHS từ năm 2021 đến nay. Ảnh: SSI Iboard |
Cổ phiếu HHS tăng phi mã khi vào ngày 25/3/2025, HĐQT Hoàng Huy HHS thông qua nghị quyết tái cấu trúc khoản đầu tư tại công ty liên kết là CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV. Theo phương án cấu trúc khoản đầu tư, Hoàng Huy HHS sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tăng tỷ lệ sở hữu tại Bất động sản CRV, dẫn tới việc CRV từ công ty liên kết trở thành công ty con của HHS.
Được thành lập từ năm 2006, Bất động sản CRV sở hữu hàng loạt dự án lớn tại TP Hải Phòng, như dự án Hoàng Huy – Sở Dầu (tổng mức đầu tư 1.486,5 tỷ đồng), cụm tòa chung cư Hoàng Huy Commerce (3.706 tỷ đồng), và đặc biệt là dự án Hoàng Huy New City tại TP Thủy Nguyên, TP Hải Phòng với tổng mức đầu tư 15.076 tỷ đồng.
Bên cạnh 2 mã VN30 là VIC (9,43%) và SHB (8,09%) đã nói ở trên, một số mã tăng điểm đáng chú ý trong tuần của HOSE có thể kể đến VCF (12,88%) của CTCP Vinacafe Biên Hòa, FIT (9,15%) của Tập đoàn F.I.T, DPR (10,75%) của CTCP Cao su Đồng Phú.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ORS của Chứng khoán TPBS tiếp tục chịu áp lực lớn và giảm 14,85% về còn 9.750 đồng/CP – thấp nhất kể từ tháng 4/2023, sau khi tuần trước để mất gần 17%.
Đáng kể khác là sự có mặt của cổ phiếu vốn hóa lớn PNJ (-8,48%) của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, khi liên tiếp có 6 phiên gần nhất đều giảm điểm, đẩy thị giá về còn 82.000 đồng/CP – thấp nhất kể từ đầu năm 2024.
Cổ phiếu DTA sau khi tăng hơn 36% tuần trước, bị chốt lời trong tuần này khi giảm 8,13%.
HNX: THD, NVB quay đầu điều chỉnh
STT | Mã | Tăng | Mã | Giảm |
1 | PGT | 39.74% | ATS | -15.06% |
2 | DL1 | 24.53% | THD | -14.67% |
3 | HKT | 21.21% | BKC | -12.52% |
4 | HHC | 19.64% | CMC | -12.33% |
5 | PPE | 18.18% | NVB | -10.08% |
6 | PRC | 16.33% | CX8 | -9.47% |
7 | KST | 14.75% | VNT | -9.28% |
8 | DAE | 13.48% | BTW | -9.09% |
9 | VC6 | 12.76% | WCS | -9.06% |
10 | AME | 12.28% | TTL | -8.99% |
Ở chiều tăng, không có quá nhiều cái tên đáng chú ý khi các mã tăng điểm đều là cổ phiếu vốn hóa bé. Trong đó, dòng tiền đầu cơ chảy mạnh vào cổ phiếu nhỏ DL1 của CTCP Tập đoàn Anpha Seven, đẩy thị giá tăng vọt với thanh khoản cải thiện đáng kể, có phiên khớp tới hơn 5,6 triệu đơn vị.
Shine Profit Development Ltd, tổ chức có liên quan của ông Nguyễn Đình Trạc – Tổng giám đốc DL1 đã có thông báo hoàn tất việc bán thoái vốn hơn 5,3 triệu cổ phiếu DL1 trong phiên ngày 19/3 theo phương thức thỏa thuận.
Ở chiều giảm, 2 cái tên đáng chú ý là THD (-14,67%) của CTCP Thaiholdings và NVB (-10,08%) của Ngân hàng NCB. Trong đó, với mức tăng 14,16%, NVB là cổ phiếu tăng mạnh thứ 6 của sàn HNX trong tuần trước. Tuần này, NVB giảm liên tục 4 phiên đầu tuần và chốt phiên thứ 6 ở mức tham chiếu 11.600 đồng/CP.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 29/3 vừa qua, cổ đông NVB đã thông qua tờ trình chào bán 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 59,42% vốn điều lệ NCB tại thời điểm chào bán. Sau khi hoàn tất đợt tăng vốn, NCB sẽ nâng vốn điều lệ từ 11.780 tỷ đồng như hiện tại lên 19.280 tỷ đồng, vượt qua nhiều ngân hàng tầm trung trên thị trường ở thời điểm hiện tại là Eximbank (18.688 tỷ đồng) hay NamABank (13.726 tỷ đồng).
UPCOM: Đãi cát tìm vàng
STT | Mã | Tăng | Mã | Giảm |
1 | MBT | 97.82% | TSD | -30% |
2 | SEP | 44.32% | FRC | -26.92% |
3 | MRF | 40.00% | CT3 | -26.73% |
4 | TV6 | 39.47% | PRO | -26.25% |
5 | HVA | 36.90% | BBM | -25.84% |
6 | TGP | 35.71% | L43 | -24.39% |
7 | XLV | 31.43% | APP | -23.99% |
8 | ICI | 29.17% | DMN | -23.32% |
9 | NAC | 28.57% | MGC | -22.42% |
10 | VUA | 27.40% | TIE | -22.25% |
Thị trường UPCOM có tuần giao dịch ảm đạm, khi hầu hết các cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất đều là những mã bé với giao dịch thưa thới. Dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu MBT của CTCP Bất động sản cho thuê Minh Bảo Tín đã ghi nhận mức tăng cao nhất với 97,82%, nhưng thanh khoản chỉ vài nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.