Kinh tế "nâu" - một tương lai khó bền vững
Chia sẻ tại Tọa đàm "Tín dụng xanh: Mỏ vàng để ngân hàng phát triển bền vững" tổ chức ngày 2/10, ông Nguyễn Văn Nguyện - Phó Trưởng phòng Tổng hợp Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM cho rằng tỷ trọng tín dụng xanh hiện còn thấp.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh mới đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyện cho rằng, do Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của tăng trưởng, phát triển tín dụng xanh, nên nhận thức và hành động chưa được tương xứng như kỳ vọng. Dù vậy, theo ông, hàng năm, mức tín dụng xanh vẫn tăng trưởng dương, thậm chí hơn mức tăng trưởng của nền kinh tế.
Về hành lang pháp lý, ông Nguyện cho biết, NHNN đã ban hành nhiều văn bản, ví dụ đã tham mưu ban hành Quyết định 1604 về việc phê duyệt đề án phát triển xanh tại Việt Nam, cũng như Quyết định 986 phê duyệt phát triển ngành ngân hàng từ 2025-2030 thì cũng có những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh.
Trong Luật bảo vệ môi trường cũng giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 17 hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện các quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng nước ngoài, mới có hiệu lực từ tháng 6/2023.
Gần đây nhất, NHNN tiếp tục ban hành Quyết định 1408 về kế hoạch ngân hàng phát triển tín dụng xanh giai đoạn 2021-2030. "Qua đó cho thấy ngành ngân hàng rất quan tâm đến mảng này vì đó là xu hướng phát triển của toàn cầu", ông Nguyễn cho biết.
Ông Nguyễn Văn Nguyện - Phó Trưởng phòng Tổng hợp Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM. |
Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM, TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM, chuyên gia kinh tế cho hay, khái niệm tín dụng xanh còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Trước đây, kinh tế Việt Nam tập trung vào vấn đề tăng trưởng hơn là tăng trưởng bền vững, tức kinh tế "nâu" - điều thường thấy ở các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển bền vững trở thành nhu cầu cấp thiết, ở các quốc gia, thậm chí là các quốc gia đang phát triển.
Vị chuyên gia lấy ví dụ, Trung Quốc thời gian qua cũng thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hóa, vì mọi người thấy đó là nhu cầu cấp thiết, cũng như nhìn thấy cái giá đắt phải trả cho nền kinh tế "nâu" là thế nào - đó là một tương lai không bền vững.
Những năm qua, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đã được quan tâm hơn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ tín dụng xanh so với tổng cơ cấu tín dụng ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn, nhưng tôi tin, trong tương lai sẽ tăng lên.
Ngoài ra, trong bối cảnh các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang dần trở thành tiêu chí quan trọng trong quyết định cho vay, đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế. Tín dụng xanh, ESG là xu hướng tất yếu, dần dần, các công ty sẽ phải báo cáo về ESG.
Do đó, nhu cầu về vốn để doanh nghiệp chuyển cơ cấu sao cho bền vững, có trách nhiệm với môi trường, xã hội là nhu cầu bức thiết trong thời gian tới.
Ngân hàng làm gì để "xanh hoá" danh mục tín dụng?
Tại cuộc toạ đàm do báo Dân trí tổ chức, các diễn giả cũng bàn luận sâu về việc hiện nay nguồn lực chính cho tín dụng xanh của các ngân hàng dựa phần nhiều vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế… song chỉ là nguồn lực bên ngoài và có vai trò trong giai đoạn đầu.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, không thể trông chờ hết vào Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ hay các tổ chức quốc tế mà cần các bên khác tham gia, đặc biệt là nguồn vốn từ xã hội hóa.
“Hiện có nhiều tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta nên tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm của họ để triển khai sản phẩm ở Việt Nam, nhất là trái phiếu xanh, sản phẩm phái sinh từ trái phiếu xanh”.
Từ góc độ các ngân hàng, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của HDBank cho biết, để tiếp cận tín dụng xanh, ngân hàng và doanh nghiệp phải gặp nhau ở khẩu vị, rủi ro.
Lãnh đạo HDBank chia sẻ, khi cấp tín dụng xanh sẽ đánh giá rủi ro môi trường xã hội, ngân hàng này có chuẩn mực được tham vấn từ NHNN và định chế nước ngoài. HDBank cố gắng tuyên truyền, tư vấn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có doanh nghiệp bảo họ chưa có cần thiết phải làm theo ngân hàng đề xuất.
"Những doanh nghiệp phân khúc này, thường là doanh nghiệp mới, ví dụ điện mặt trời. Bản thân ngân hàng cũng có sự dấn thân, bởi khả năng thu hồi vốn chưa rõ ràng (tính khả thi trong thu hồi vốn sẽ chưa định hình rõ so với doanh nghiệp, ở các ngành nghề mà ngân hàng đã làm việc lâu năm). Tuy nhiên, HDBank sẽ vẫn đi theo con đường này", ông Phương khẳng định.
Trong khi đó, tại BVBank, Bà Văn Thành Khánh Linh - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này cũng cho hay, muốn xanh hóa thì cần sự phối hợp từ 3 phía: Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp.
Bà Văn Thành Khánh Linh - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng BVBank. |
Chiến lược dài hơi về xanh hóa tín dụng cần nguồn lực nhiều bên. Hiện tại, ngân hàng thương mại phụ thuộc vốn nước ngoài khá nhiều, danh mục xanh hóa có 80-90% vốn phụ thuộc nước ngoài. Tự thân ngân hàng đưa ra một số sản phẩm nhưng chỉ nguồn lực ngân hàng thì không mang lại tính hiệu quả, bà Linh đánh giá. Phần muốn làm xanh hóa, cần nguồn lực bản thân ngân hàng thương mại, có sự hỗ trợ từ NHNN như tuyên truyền về chính sách xanh hóa.
Đưa ra ý kiến, bà Linh bày tỏ mong muốn NHNN có ưu đãi cho các ngân hàng trong việc xanh hóa, "Như chúng tôi vẫn bị quản lý bởi room tín dụng. Nên chăng NHNN cảm thấy danh mục xanh hóa của BVBank, HDBank hay một ngân hàng nào đó, đủ ở tỷ lệ nào đó, sẽ cho thêm room tín dụng. Đó là phần thưởng, chính sách động viên của NHNN để doanh nghiệp có thể tiếp cận".