CIP: Việt Nam cần ưu tiên xây dựng khuôn khổ chính sách để tận dụng lợi thế của điện gió ngoài khơi

NĂNG LƯỢNG ĐIỆN GIÓ
20:23 - 16/02/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (COP/CIP), việc xây dựng cơ sở pháp lý, khởi tạo thị trường sẽ góp phần phát triển ngành điện gió ngoài khơi, tạo động lực đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo Việt Nam.

Tại sự kiện công bố Sách trắng 2022-2023 của Eurocham sáng 16/2, ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners tại Việt Nam (COP/CIP) cho rằng, với hệ số công suất tương đương các nguồn nhiệt điện (xấp xỉ 50%), số giờ đầy tải cao cũng như chi phí phát triển nguồn điện giảm dần, điện gió ngoài khơi (ĐGNK) là giải pháp năng lượng tái tạo hàng đầu đảm bảo nhu cầu năng lượng cho thế giới trong tương lai.

Đại diện tập đoàn CIP cho hay, các nguồn năng lượng mới như điện gió ngoài khơi đòi hỏi hệ thống vận hành phải thích ứng với các đặc điểm cụ thể. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu này, mức đầu tư trung bình hàng năm vào lĩnh vực này sẽ cần hàng chục tỷ USD.

Trong bối cảnh các định chế tài chính từ bỏ các nguồn năng lượng hóa thạch, nguồn vốn sẵn có đang dần chuyển dịch sang các công nghệ và dự án năng lượng tái tạo (NLTT). Tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng tài chính toàn cầu, các dự án ĐGNK sẽ có tính khả thi cao trong giai đoạn sắp tới.

Ông Livesey nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nhanh chóng phát triển ĐGNK tại Việt Nam do có tiềm năng lớn và là cơ sở thực thi đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với quy mô khổng lồ, cũng như các yêu cầu kĩ thuật và tài chính phức tạp, các dự án ĐGNK thường cần 6 đến 8 năm để triển khai kể cả khi đã có khuôn khổ pháp lý đầy đủ.

Dự thảo mới nhất của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII - QHĐ8), đặt mục tiêu 7GW ĐGNK vào năm 2030, tương đương với việc chỉ còn có 7 năm để hoàn thành các dự án đầu tiên. Để đáp ứng tiến độ, các dự án ĐGNK cần nhanh chóng thực hiện khâu xin cấp phép, phát triển dự án, cũng như xây dựng. Tuy nhiên, tính phức tạp trong thực hiện các dự án này, chủ yếu do sự thiếu hụt của khung pháp lý, làm chậm dòng vốn đầu tư cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Tận dụng tiềm năng to lớn của ĐGNK

Đại diện cho công ty quản lý quỹ năng lượng tái tạo đang quản lý tổng nguồn vốn 20 tỷ USD, và danh mục dự án năng lượng tái tạo lên đến 90GW, trong đó trên 38GW điện gió ngoài khơi, ông Livesey nhận định, việc xây dựng khuôn khổ chính sách hoàn chỉnh là tiền đề quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng tận dụng được tiềm năng to lớn của ĐGNK.

Trước mắt cần bắt đầu từ QHĐ8 sớm được thông qua. Ông Livesey nhấn mạnh, đây là văn bản định hướng chính sách phát triển NLTT, ĐGNK cũng như ngành năng lượng và điện lực nói chung trong giai đoạn sắp tới.

Tương tự các ngành công nghiệp mới khác, ngành ĐGNK cần vượt qua các trở ngại ban đầu về kĩ thuật, vận hành và pháp lý. Do đó, cần nhanh chóng ban hành khuôn khổ pháp lý minh bạch, nhất quán và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư để giúp khởi tạo ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners tại Việt Nam (COP/CIP) phát biểu tại sự kiện công bố Sách trắng 2022/2023 của Eurocham ngày 16/2/2023. Ảnh: Việt Tuấn

Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners tại Việt Nam (COP/CIP) phát biểu tại sự kiện công bố Sách trắng 2022/2023 của Eurocham ngày 16/2/2023. Ảnh: Việt Tuấn

Theo đại diện CIP, các chính sách cần thiết bao gồm Quy hoạch không gian biển; quy trình cấp phép rõ ràng và nhất quán; quy trình lựa chọn nhà đầu tư minh bạch và công bằng; hợp đồng mua bán điện phù hợp; và các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư.

Bên cạnh đó, chính sách và cơ chế cấp phép khảo sát ngoài khơi cần được ưu tiên ban hành sớm để đảm bảo các hoạt động khảo sát có thể bắt đầu trong năm 2023. Đây là điều kiện quan trọng cho mục tiêu phát triển 7GW ĐGNK vào năm 2030.

Quá trình khảo sát thường cần 2 đến 4 năm trong tổng thời gian 6-8 năm triển khai dự án ĐGNK, và là quá trình cung cấp thông tin và dữ liệu đầu vào hết sức quan trọng. Với các thông tin này, các nhà phát triển dự án có thể lên kế hoạch cụ thể cũng như đưa ra phương án xử lý các hạn chế của khu vực dự án.

Ngoài ra, theo ông Livesey, khi xây dựng và thực thi chính sách NLTT, bao gồm chính sách về ĐGNK, Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), World Bank cũng như các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Với các nhà phát triển dự án quốc tế lớn, các tiêu chuẩn EGS ngày càng trở nên quan trọng. Việc đạt được các tiêu chuẩn của IFC sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu ngặt nghèo của các đơn vị cho vay và tổ chức quốc tế.

Liên hệ cụ thể về CIP, ông Livesey chia sẻ, đây là quỹ huy động từ các nhà đầu tư lớn và cẩn trọng, ví dụ như các quỹ hưu trí. “Những nhà đầu tư này đặt ra các tiêu chuẩn rất cao và đòi hỏi minh bạch trong các vấn đề liên quan đến ESG, và CIP cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các tiêu chuẩn trên tại Việt Nam.

Chúng tôi xin khuyến nghị quá trình xây dựng chính sách nên tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế trên để xây dựng các quy trình chất lượng và minh bạch cho các dự án hạ tầng quy mô lớn”.

CIP tin rằng việc Chính phủ nhanh chóng thực thi các cam kết COP26 và sớm ban hành các giải pháp chính sách phù hợp sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, củng cố niềm tin và cam kết của các nhà đầu tư. Từ đó đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường ĐGNK hấp dẫn nhất thế giới.

Hơn nữa, đại diện CIP cho rằng, trong tương lai Việt Nam cũng có thể là nguồn lý tưởng để đưa lao động có chuyên môn và trang thiết bị với quy mô lớn xuất khẩu tới các thị trường điện gió ngoài khơi khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp