'Có địa phương không bố trí vốn cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo'

QUỐC HỘI Việt nAM
16:45 - 07/06/2023
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh:quochoi.vn
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh:quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động chi cho đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"100 đồng thì chỉ 13 đồng cho nghiên cứu"

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt trong phiên 7/6, đại biểu Nguyễn Công Long - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, Đảng và Nhà nước luôn dành nguồn lực rất to lớn cho khoa học công nghệ, tuy nhiên việc sử dụng nguồn lực này như thế nào đang đặt ra rất nhiều vấn đề.

"Trong giai đoạn 2021 - 2026, tổng kinh phí dành cho các các, bộ, cơ sở chỉ có khoảng 13% dành cho nghiên cứu. Có nghĩa là 100 đồng thì chỉ 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại là cho bộ máy, cho chi thường xuyên. Vậy, trách nhiệm của Bộ mình như thế nào và giải pháp trong những năm tới là gì?", đại biểu Nguyễn Công Long chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Công Long - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Nguyễn Công Long - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, lĩnh vực khoa học công nghệ có tính đặc thù về tài chính. Nghiên cứu khoa học không thể tính toán một cách định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác.

"Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận. Trong quá trình xây dựng thuyết minh, quá trình quản lý đề tài, ngay cả việc nghiệm thu đề tài, việc xác định lợi nhuận, hiệu quả kinh tế phải ở trong tương lai", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - đoàn ĐBQH tỉnh Long An chất vấn về việc xác định mức chi đầu tư phát triển và tỷ lệ phần trăm tổng chi Nhà nước cho KH&CN từ năm 2017 đến nay cũng như hướng xử lý tình trạng phân bổ kinh phí sự nghiệp dàn trải.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận đây là vấn đề thực tế tại Việt Nam. Bộ KH&CN đã có giải pháp để thời gian tới, ngân sách tiền chi cho các nhiệm vụ KH&CN đảm bảo được hiệu quả.

Theo đó, giải pháp được Bộ KH&CN đưa ra là phê duyệt 19 chương trình KH&CN với mục tiêu, yêu cầu, dự kiến sản phẩm... với những nội dung cụ thể. Đây là cơ sở để hình thành khung số lượng, tầng ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ khoa học.

Muốn có nhân tài thì phải có môi trường để họ cống hiến

Tham gia báo cáo giải trình phiên chất vấn lĩnh vực khoa học, công nghệ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bố trí cho khoa học công nghệ, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82% và năm 2022 là 1,01%.

Về quyết toán chi ngân sách, theo Bộ trưởng Tài chính, hiện đã giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc.

Điều đó cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi ở lĩnh vực khoa học công nghệ, tuy nhiên hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn.

"Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, khi thanh toán, các nhà khoa học cảm thấy rất phiền phức", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Theo Bộ trưởng Tài chính, thời gian tới, sẽ sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng, chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.

Về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho rằng, cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với Nhà nước. Nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu.

Qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Tài chính, có một số quy định nên bỏ như điều kiện được công nhận là chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, kiểm toán viên chính cần phải có đề tài khoa học. Điều này không phù hợp, làm cho một bộ phận cán bộ công chức sao chép đề tài, không có tính thực tiễn, không áp dụng được, không đảm bảo được hiệu quả trong quá trình nghiên cứu đề tài.

"Trong khoa học, công nghệ phải có nhân tài, nhưng muốn có nhân tài thì phải có môi trường để họ cống hiến, có cơ chế, chính sách phù hợp, như ngày xưa, mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng vẫn có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ… Hiện nay, chúng ta phải thu hút được nguồn lực xã hội, đảm bảo những sáng kiến, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Có địa phương không bố trí vốn cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2017 - 2023, tỷ lệ chi ngân sách cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo giảm dần, chỉ đạt 1,1 - 1,18%, riêng năm 2023 là hơn 0,8%.

Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo tỷ lệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm.

"Điều này cho thấy, các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, theo Bộ trưởng, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định 3 đột phá chiến lược, gồm: Thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; và được lồng ghép thêm 2 vấn đề cốt lõi là: Khoa học, công nghệ mới, sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Xuất phát từ quan điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hòa Lạc. Theo Bộ trưởng, đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Chức năng của Trung tâm là xây dựng hệ sinh thái cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Áp dụng các cơ chế chính sách vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối các viện, trường, các cơ sở nghiên cứu trong nước và ngoài nước, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước và ngoài nước.

Trung tâm tập trung vào 8 ngành công nghiệp ưu tiên: Sản xuất thông minh; đô thị thông minh; truyền thông số; an ninh mạng; công nghiệp môi trường; bán dẫn; hydrogen và y tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này. Bộ đang phối hợp với TP HCM, TP Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nhân rộng mô hình này, với tinh thần kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng địa phương đầu tư và quản lý.

Đọc tiếp