Cổ phiếu FLC: Từ thành viên VN30 đến mức 'giá trà đá' và hủy niêm yết

flc CHỨNG KHOÁN
20:36 - 14/02/2023
Cổ phiếu của FLC bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023.
Cổ phiếu của FLC bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023.
0:00 / 0:00
0:00
FLC là một trong những cổ phiếu để lại nhiều cảm xúc nhất cho nhà đầu tư chứng khoán, không chỉ do thăng trầm giá cổ phiếu mà còn bởi những diễn biến xung quanh như kỷ lục thanh khoản, lãnh đạo doanh nghiệp…

Ngày 14/2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC. Theo quyết định, toàn bộ gần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023.

Nguyên nhân được HoSE đưa ra là do FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN) xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Cụ thể, các vi phạm của FLC là chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên dù đã quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.

Thông tin trên đưa ra nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư chứng khoán dù trước đó, HoSE đã ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9/2022. Sở dĩ FLC vẫn được quan tâm bởi từng nhiều giai đoạn là mã cổ phiếu được quan tâm nhất trên thị trường, mang lại nhiều nụ cười nhưng cũng không ít nước mắt cho nhà đầu tư.

Tăng giá 240% sau 3 tháng

Năm 2010, CTCP FLC ra đời từ việc hợp nhất các công ty thành viên, đến tháng 11/2010 đổi tên thành CTCP Tập đoàn FLC. Sau đó không lâu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để FLC trở thành công ty đại chúng và 10 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 5/10/2011.

Trong giai đoạn đầu giao dịch, FLC đã tạo thành “hiện tượng” khi tăng giá ngoạn mục tới 240% sau 3 tháng. Cụ thể, từ mức giá thấp nhất 10.100 đồng/cp vào ngày 3/11/2011, FLC đã tăng lên mức giá 34.400 đồng/cp vào ngày 10/2/2012. Đây là mức tăng gần như không có đối thủ trên thị trường chứng khoán trong cùng khoảng thời gian trên.

Trong khi đó, năm 2011, FLC có lợi nhuận sau thuế là gần 13 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 170 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần của FLC đạt 751 đồng, chia cổ tức 700 đồng/cp, đều không phải con số quá ấn tượng.

Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim đó của FLC cũng không kéo dài lâu. Cũng chỉ trong 7 tháng của năm 2012 (từ tháng 3 đến tháng 7), mã này tụt dốc thê thảm xuống mức thấp nhất chỉ còn gần 3.000 đồng/cp. Kết quả này cũng một phần do tác động của thị trường chung lúc đó, khi tăng sốc tới 40% trong 5 tháng đầu năm rồi giảm mạnh trong 7 tháng cuối năm, do tác động của sự kiện “bầu Kiên” bị bắt.

Lọt nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường

Tháng 8/2013, FLC chính thức chuyển niêm yết 77,2 triệu cổ phiếu từ HNX sang HoSE. Chưa đầy một năm sau, cổ phiếu này đã được thêm vào nhiều rổ chỉ số quan trọng, điển hình là VN30 – nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường. Thời điểm đó, FLC còn lọt vào “mắt xanh” của hàng loạt quỹ ngoại, trong đó nổi bật là 2 tên tuổi lâu năm trên thị trường V.N.M ETF và FTSE ETF.

Nhờ các thông tin tích cực, FLC cũng được dòng tiền nhà đầu tư quan tâm, giúp kéo giá tăng mạnh. Nhưng dù vậy, FLC cũng không thể trở lại giai đoạn đỉnh cao như khi mới niêm yết mà chỉ ngụp lặn dưới mệnh giá. Tới năm 2020, giai đoạn thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, FLC lại một lần nữa tạo đáy mới ở vùng 2.000 đồng/cp.

FLC có 2 giai đoạn bùng nổ là khi mới niêm yết và năm 2021.

FLC có 2 giai đoạn bùng nổ là khi mới niêm yết và năm 2021.

Sang năm 2021, khi thị trường chứng khoán nhận được dòng tiền lớn với sự tham gia kỷ lục của các nhà đầu tư cá nhân, FLC mới nổi sóng trở lại. Không chỉ cổ phiếu của FLC mà các mã liên quan trong hệ sinh thái của doanh nghiệp như ROS, HAI, AMD, KLF, GAB cũng tăng nóng, tạo ra cơn sốt kéo dài từ năm 2021 đến đầu năm 2022.

Từ mức giá trà đá, FLC leo lên mức giá hơn 22.000 đồng vào phiên 3/1/2022. Với mức tăng gấp 10 lần, cổ phiếu FLC đã giúp rất nhiều nhà đầu tư nhân 10 giá trị tài khoản chứng khoán.

Tuy nhiên niềm vui cũng chẳng dài lâu, việc ông Trịnh Văn Quyết bị phanh phui vụ bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC vào 10/1/2022 đã bắt đầu cho chuỗi ngày thê thảm của cổ phiếu này.

Không chỉ FLC, toàn bộ nhóm cổ phiếu “họ FLC” bắt đầu lao dốc mạnh. Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố vì tội danh thao túng thị trường chứng khoán vào cuối tháng 2/2022, FLC cùng các công ty thành viên cũng vướng vào nhiều sai phạm nghiêm trọng về công bố thông tin theo quy định. Từ đó dẫn đến việc các cổ phiếu lần lượt bị hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch rồi hủy niêm yết.

Tại thời điểm bị đình chỉ giao dịch vào 9/9/2022, FLC đã giảm về mức giá 3.570 đồng/cp. Rất nhiều nhà đầu tư không kịp “chạy hàng” bị mắc kẹt, tài sản “bốc hơi” 80-90%. Hiện trong số các cổ phiếu trong “họ FLC” chỉ còn AMD còn giao dịch. ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros cũng đã bị hủy niêm yết.

Theo Nghị định 155, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. Như vậy, sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE, cổ phiếu FLC nhiều khả năng sẽ được giao dịch trên thị trường UPCoM.

Trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chỉ có 8 phiên xuất hiện khớp lệnh trên 100 triệu đơn vị trên một cổ phiếu trong đó riêng FLC đã có 3 lần làm được điều này từ đầu năm 2022. Cụ thể, phiên FLC lập kỷ lục cao nhất về thanh khoản là vào ngày 11/1/2022, với gần 155 triệu cổ phiếu được trao tay, chỉ sau HPX của Đầu tư Hải Phát vào phiên 30/11/2022 (giao dịch 165 triệu cổ phiếu).

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.