Cổ phiếu lương thực, thực phẩm thuộc nhóm ngành phòng thủ trong bối cảnh thị trường biến động. |
Trong phiên 13/9, trong khi hầu hết các nhóm ngành đều giao dịch ảm đạm thì các cổ phiếu lương thực, thực phẩm lại hết sức sôi động.
PAN của Tập đoàn PAN kết phiên ở mức +6,2%, ASM của Tập đoàn Sao Mai tăng 6,1%, DBC của Tập đoàn Dabaco tăng gần 6%. Đây cũng là 3 mã có khối lượng giao dịch đột biến nhất phiên.
Các cổ phiếu cùng nhóm khác như LTG của Tập đoàn Lộc Trời, TAR của Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, HAG của Hoàng Anh Gia Lai, BAF của Nông nghiệp BAF Việt Nam cũng đều tăng giá đáng kể.
Cổ phiếu lương thực, thực phẩm hút dòng tiền trong bối cảnh giá gạo tại châu Á đang tăng lên từng ngày, sau động thái cấm xuất khẩu một số loại gạo của Ấn Độ. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên thêm khoảng 20 USD/tấn so với tuần trước.
Ấn Độ chiếm 40% tỷ trọng trong ngành thương mại gạo toàn cầu. Còn Việt Nam là một trong hai quốc gia đang thường xuyên "so găng" ở vị trí số 2. Khi "số 1" là Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu gạo thì có nghĩa, cơ hội gia tăng xuất khẩu cũng như giá xuất khẩu tăng lên sẽ thuộc về các quốc gia khác đang xuất khẩu nhiều gạo, trong đó có Việt Nam.
Gạo Việt Nam có thêm dư địa mở rộng thị trường |
Tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Tập đoàn PAN nhận định, nhu cầu lương thực, thực phẩm toàn cầu đang rất lớn và cơ hội cho các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, thực phẩm là vô hạn.
Bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã chứng khoán NSC) – thành viên của Tập đoàn PAN cho biết, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo Việt Nam đang nhìn thấy vô số cơ hội từ bối cảnh toàn cầu. Đơn hàng gạo của Vinaseed sang thị trường châu Âu tăng mạnh do sản lượng lúa mỳ của thế giới sụt giảm nghiêm trọng sau xung đột Nga - Ukraine. Hơn nữa, hạn hán ở Ấn Độ - thị trường cung cấp gạo hàng đầu thế giới cũng làm giảm sản lượng gạo của nước này.
Ấn Độ và Thái Lan là hai thị trường cung cấp gạo lớn nhất thế giới cũng chỉ có 1 vụ thu hoạch lúa mỗi năm. Trong khi đó, nhờ khí hậu và giống lúa đặc biệt nên Việt Nam có 3 vụ thu hoạch lúa mỗi năm, từ đó các doanh nghiệp gạo Việt Nam luôn tự tin về sản lượng gạo mới.
Hiện vụ Hè Thu đã kết thúc và chuẩn bị cho hai vụ chính nhất là thu đông và đông xuân. Bà Liên cho biết, sản lượng thu hoạch lúa của cả nước dự báo đạt khoảng 20 triệu tấn lúa. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Mỹ, Canada, Australia, EU, ASEAN, châu Phi rất lớn nên còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo, thực phẩm Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong ngành làm ăn ra sao?
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư nói trên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Tài chính Tập đoàn PAN ước tính doanh thu thuần quý 3/2022 đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ, tăng 192%. Trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 53 tỷ đồng.
Tính chung 3 quý đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của PAN đạt gần 9.800 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 536 tỷ đồng, tăng 132%. Biên lợi nhuận gộp là 19% trong khi năm ngoái con số này là 16%.
Tập đoàn Sao Mai thu về 7.200 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 15% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng 441 tỷ đồng, tăng 115%. Năm 2022, công ty đề ra mục tiêu thu về 14.700 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.630 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, nửa đầu năm 2022, ASM đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 41% kế hoạch lợi nhuận.
Sao Mai vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.500 đồng. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2022.
6 tháng đầu năm 2022, Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu 1.723 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 46 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 154% so với cùng kỳ.
Từ tháng 8/2020, Trung An đã xuất khẩu gạo mang thương hiệu Trung An vào thị trường châu Âu. Hiện toàn bộ gạo của công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An. Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của công ty. Hiện TAR đã phát triển được hơn 30.000ha vùng nguyên liệu liên kết.
Lộc Trời, Dabaco ghi nhận doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại “đi lùi”. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí tăng cao trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào đều phi mã. Nông nghiệp BAF Việt Nam thì sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận, cũng do các chi phí tăng mạnh. Trong bối cảnh giá lợn hơi có xu hướng giảm nhưng giá thức ăn vẫn neo ở mức cao như hiện tại, các doanh nghiệp thiên về chăn nuôi sẽ khó khăn hơn trong việc cải thiện biên lợi nhuận.
Hoàng Anh Gia Lai cũng mới công bố tình hình sản xuất kinh doanh tháng 8/2022 với doanh thu đạt 448 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 123 tỷ đồng. Trong 3 tháng gần nhất (tháng 6, 7, 8), lợi nhuận của HAGL duy trì quanh mức 123 - 126 tỷ đồng, đều đặn 4 tỷ đồng/ngày.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, doanh thu của HAG đạt 2.708 tỷ đồng, bao gồm 779 tỷ từ chăn nuôi và 1.472 tỷ cây ăn trái, ngành phụ trợ đóng góp 457 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 781 tỷ đồng, thực hiện 69% kế hoạch cả năm 2022.