Theo Reuters, kết quả bỏ phiếu cho thấy 64% công nhân nhà máy Boeing nói trên đã không đồng ý với thỏa thuận mới mà nhà sản xuất máy bay này đưa ra. Đề xuất mới gồm mức tăng lương 35% trong vòng 4 năm và khoản thưởng 7.000 USD, với kỳ vọng chấm dứt cuộc đính công tốn kém kéo dài 5 tuần qua.
Ông Josh Hajek (42 tuổi, người đã có 6 năm kinh nghiệm làm việc trong bộ phận lắp ráp cánh máy bay tại Boeing) chia sẻ rằng: “Họ chỉ lấy một loạt con số, xáo trộn lại để khiến nó trông như thể họ đang đưa cho chúng tôi nhiều hơn”.
64% công nhân không đồng ý với thỏa thuận, dù trong đó có đề xuất tăng lương 35% trong vòng 4 năm. Ảnh: Theo Reuters. |
"Chúng tôi sẵn sàng đình công tiếp cho đến khi có được thỏa thuận tốt hơn,” cô Irina Briones (25 tuổi) cho biết sau cuộc bỏ phiếu.
Việc công đoàn yêu cầu Boeing đưa ra các điều khoản tốt hơn phản ánh sự bức xúc kéo dài từ nhiều năm qua khi công nhân làm việc tại nhà máy này cảm thấy bị đối xử không công bằng trong các cuộc đàm phán cách đây 10 năm trước. Đồng thời, lãnh đạo công đoàn cho biết họ sẵn sàng ngay lập tức nối lại đàm phán với Boeing về hợp đồng mới.
Đây là lần thứ hai đề xuất hợp đồng của Boeing bị từ chối trong cuộc bỏ phiếu chính thức. Trước đó, đề xuất hợp đồng hồi tháng 9/2024 của Boeing đưa ra là tạm thời cung cấp mức tăng lương 25% trong 4 năm và khoản tiền thưởng 3.000 USD. Đề xuất này bị 95% công nhân từ chối, dẫn đến cuộc đình công. Ngày 13/9, hơn 30.000 công nhân tại các nhà máy Boeing ở Bờ Tây nước Mỹ tham gia đình công, dẫn đến các dòng máy bay bán chạy như 737 MAX, 767 và 777 thân rộng ngừng sản xuất.
Theo phân tích của hãng tư vấn Anderson Economic Group của Mỹ, việc đình công tại các nhà máy của Boeing trong thời gian qua đã khiến Boeing thiệt hại gần 5 tỷ USD. Trong đó, phần lớn tác động do công nhân và cổ đông Boeing gánh chịu, với 3,7 tỷ USD. Kể từ khi cuộc đình công diễn ra, không một máy bay nào được sản xuất tại nhà máy của hãng ở Everett (Washington, Mỹ).