Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB) ngày 29/11 đã chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Ngân hàng dự kiến phát hành gần 142,8 triệu cổ phiếu mới từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2023.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng thêm gần 1.428 tỷ đồng, đạt mức 7.139 tỷ đồng, tạo cơ sở vững chắc để ngân hàng tăng cường hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Ngoài Vietbank, một số nhà băng khác đang tích cực triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Cụ thể, HDBank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.825 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Với tỷ lệ chi trả 20%, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng lên hơn 34.900 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế trong nhóm các ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
LPBank cũng không nằm ngoài xu hướng khi tại ĐHĐCĐ bất thường gần đây, cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 16,8%.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của LPBank dự kiến đạt tối đa 29.873 tỷ đồng, đưa ngân hàng này vào nhóm 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường. Việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp ngân hàng gia tăng năng lực tài chính mà còn tạo điều kiện để mở rộng quy mô hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Bac A Bank mới đây đã thông qua nghị quyết điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ lên 10.538 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ được thực hiện thông qua việc phát hành 62,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và chào bán 96 triệu cổ phiếu ra công chúng.
Trong khi đó, Eximbank cũng nhận được chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh mức vốn điều lệ, từ gần 17.470 tỷ đồng lên xấp xỉ 18.700 tỷ đồng. Việc tăng thêm 1.219 tỷ đồng được thực hiện bằng cách phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023, sau khi đã trích lập các quỹ, theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 phê duyệt.
Nhóm "Big 4" ngân hàng đang dần vào cuộc
Không chỉ riêng các ngân hàng tư nhân, nhóm Big 4 (ngoại trừ Agribank) đang chờ phê duyệt từ Quốc hội và các cơ quan chức năng để triển khai kế hoạch chia cổ tức và tăng vốn điều lệ.
Tại Vietcombank, dự kiến trong ngày ngày 30/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có quyết định về chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại ngân hàng này.
Trước đó, Chính phủ đề xuất cho phép Vietcombank được sử dụng lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu. Với phương án này, phần lợi nhuận được chia cho cổ đông Nhà nước bằng cổ phiếu gần 20.700 tỷ đồng. Đây được xem là phần đầu tư bổ sung vốn Nhà nước vào Vietcombank.
Nếu được Quốc hội thông qua, Vietcombank có thể sớm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng - vươn lên vị trí số một trong hệ thống ngân hàng, vượt qua hai ngân hàng tư nhân đang dẫn đầu là VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).
Ngân hàng BIDV cũng đã phê duyệt kế hoạch phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 21% để tăng vốn điều lệ. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 - 2025.
Trong khi đó, VietinBank dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, đồng thời có kế hoạch tăng vốn thêm 12.330 tỷ đồng từ lợi nhuận lũy kế các năm trước. Lần chia cổ tức gần nhất của nhà băng này là vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả là lợi nhuận còn lại của năm 2020, giúp vốn điều lệ tăng lên 53.700 tỷ đồng.
Việc các ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức không chỉ giúp củng cố năng lực tài chính, mà còn nâng cao khả năng đáp ứng các quy định an toàn vốn theo Basel II và Basel III. Động thái này cũng tạo thêm dư địa để các ngân hàng mở rộng tín dụng, đầu tư vào công nghệ và cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.