'Cuộc sống mới' của những bộ Kimono truyền thống

Bộ Kimono truyền thống của Nhật Bản
Bộ Kimono truyền thống của Nhật Bản
0:00 / 0:00
0:00
Thị hiếu thời trang tại Nhật Bản đang thay đổi và lượng người sử dụng ngày càng giảm đã tạo ra nguồn cung Kimono truyền thống khổng lồ. Nhờ tái sử dụng vải từ nguồn này, các nhà thiết kế đã tạo ra những trang phục ngày thường phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Những bộ Kimono truyền thống từng được coi là vật gia bảo trong các gia đình ở Nhật Bản và được truyền qua nhiều thế hệ, hiện chất đống ở các chợ đồ cũ. Điều này diễn ra khi Kimono không còn hợp thời trang và dân số nước này ngày càng giảm. Câu hỏi bây giờ là phải làm gì với chúng.

Theo truyền thống, trang phục Kimono dài, rộng được quấn quanh cơ thể theo một loạt các nếp gấp, nâng và điều chỉnh chính xác trong quá trình mặc quần áo có thể mất 25 phút hoặc lâu hơn. Những năm gần đây, các nhà thiết kế đang sử dụng lại loại vải chất lượng cao từ những chiếc Kimono đã bỏ đi này, để tạo thành những bộ trang phục đương đại, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại và thị hiếu thời trang ngày nay. Sự biến đổi cũng là một nghệ thuật giống như khoa học.

Cô Duni Park, chủ Phòng trưng bày Shili có trụ sở tại Tokyo, cho biết: “Trước đây mọi người thường mặc Kimono hàng ngày và bây giờ họ không mặc vì điều đó không thoải mái nữa”. Cô đã biến các sản phẩm may mặc truyền thống từ Nhật Bản và quê hương Hàn Quốc của cô thành áo liền quần, áo sơ mi và khăn quàng cổ. "Nếu mọi thứ được tiếp tục sử dụng, chúng cũng phải được sống theo trào lưu mới", cô Park nhấn mạnh.

Sự phát triển của kimono cổ điển. Ảnh: Lorenzo Barassi

Sự phát triển của kimono cổ điển. Ảnh: Lorenzo Barassi

Tham gia vào xu hướng kinh tế tuần hoàn nhằm kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, chủ cửa hàng Duni Park đã bán những bộ quần áo thiết kế lại từ Kimono cũ qua kênh trực tuyến và trong các cửa hàng pop-up ở bách hóa như Takashimaya trong vài năm qua. Một xu hướng mà ngay cả một số nhà bán lẻ lớn cũng ủng hộ khi họ sử dụng quần áo cũ bán lại, để hạn chế tác động của khí hậu và thu hút những người tiêu dùng trẻ tuổi.

Các thương hiệu thuộc Tập đoàn H&M như H&M, & Other Stories và Weekday cũng hướng tới mục đích tái sử dụng và mặc lại. Dịch vụ thu gom hàng cũ được hình thành và đã có từ 50% đến 60% trong tổng số 140.000 tấn hàng dệt được thu gom thông qua dịch vụ này. Gã khổng lồ thời trang Thụy Điển cũng là cổ đông lớn của nhà bán lẻ quần áo cũ trực tuyến Sellpy.

Nhà bán lẻ quần áo ngoài trời của Hoa Kỳ Patagonia Inc. cho phép khách hàng mua hoặc kinh doanh quần áo và thiết bị đã qua sử dụng thông qua trang web Worn Wear và khuyến khích sửa chữa đồ thông qua các cửa hàng của họ.

Theo biên tập viên Bryony Collins của BloombergNEF, chất lượng vải là yếu tố then chốt trong khả năng tái sử dụng hoặc tái sử dụng quần áo và nhiều loại quần áo được sản xuất theo kiểu “bán lẻ thời trang nhanh” có tuổi thọ ngắn hơn nhiều.

Những bộ quần áo thường ngày được may từ vải Kimono cũ. Ảnh: Lorenzo Barassi

Những bộ quần áo thường ngày được may từ vải Kimono cũ. Ảnh: Lorenzo Barassi

Trong lịch sử, Kimono được làm từ các chất liệu bao gồm lụa, bông hoặc len, mặc dù các phiên bản mới hơn cũng có chất liệu tổng hợp. Kimono có vòng đời rất dài, được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình và cộng đồng, kéo dài hàng thập kỷ hoặc lâu hơn.

Theo ông Eisaku Hida, người sáng lập Kimonoya Japan, hệ thống cửa hàng trực tuyến kinh doanh Kimono truyền thống Nhật Bản, cho biết sau khi Kimono đã quá cũ nát, chúng có thể được sử dụng làm vỏ đệm, vải vụn hoặc tã lót trẻ em trước khi bị đốt cháy và rải rác trên các cánh đồng làm phân bón. Ông Eisaku Hida thường đến các cuộc bán đấu giá để mua đồ, ông cho biết: “Kimono cực kỳ thân thiện với môi trường. Không có gì lãng phí”.

Cô Duni Park cũng hay đến các quầy hàng tại chợ đồ cổ Oedo ở Tokyo để săn đồ. Nhằm đề cao giá trị của những món đồ cổ, trong đó có những kỷ vật đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ, chợ đồ cổ được tổ chức hai tuần một lần tại một quảng trường ngoài trời bên cạnh Shake Shack, đối diện với Bic Camera. Cô Park săn lùng những vật liệu đã qua sử dụng cho bộ sưu tập của mình.

Kimono thường được làm từ vải tanmono, một loại vải dệt khổ hẹp có chiều rộng khoảng 40cm và dài từ 12m đến 15m, có nghĩa là chúng được thiết kế hoàn hảo để có thể tái sử dụng. Cô Park nói: “Cần phải có những thay đổi tối thiểu đối với tanmono để tạo ra một bộ kimono. Và khi bạn cởi một chiếc kimono, nó sẽ trở lại ngay với vải tanmono ban đầu."

Loại vải cũ mà cô Park sử dụng cho dòng quần áo của mình cũng mang đến một điều mà các thương hiệu sử dụng chất liệu nguyên sinh thiếu: Những câu chuyện và mối liên hệ với quá khứ.

Một chiếc khăn được làm bằng vải lót bên trong bộ kimono đàn ông với nghệ thuật phòng the truyền thống của Nhật Bản được gọi là shunga. Ảnh: Lorenzo Barassi

Một chiếc khăn được làm bằng vải lót bên trong bộ kimono đàn ông
với nghệ thuật phòng the truyền thống của Nhật Bản được gọi là shunga. Ảnh: Lorenzo Barassi

Thỉnh thoảng, cô Park cũng phát hiện những điều khá thú vị trong chiếc kimono. Ví dụ như vải vẽ tranh shunga - một loại hình nghệ thuật phòng the truyền thống của Nhật Bản - mà nam giới dùng để lót bên trong kimono của họ hoặc mặc bên dưới. Những hình ảnh đó không được phô bày ra bên ngoài và một số người tin rằng mặc loại vải này làm tăng vẻ đẹp của họ. Cô Park nói: “Nó rất được giấu kín và không ai nói về nó nhưng mọi người đều biết về nó".

Chính những chi tiết như thế đã khiến những thiết kế của cô trở nên hấp dẫn hơn. Mặc dù người tiêu dùng toàn cầu ngày càng xem xét tính bền vững của quần áo khi họ mua hàng, các quyết định cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các kết nối cảm xúc.

Biên tập viên Collins cho biết: “Rất nhiều điều liên quan đến quần áo và thời trang đồng nghĩa liên quan đến thương hiệu và tiếp thị. Nhưng cuối cùng, quan trọng là cách bạn truyền cảm hứng cho mọi người khi mặc quần áo khiến cho họ cảm thấy hài lòng với chúng”.

Tin liên quan

Đọc tiếp