Dabaco mở rộng đầu tư, tiến tới sở hữu 60.000 con lợn nái

DBC Dabaco
16:18 - 27/04/2024
Toàn bộ tờ trình được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DBC. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN
Toàn bộ tờ trình được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DBC. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Dabaco sáng 27/4, Chủ tịch HĐQT DBC Nguyễn Như So cho biết, việc phát hành cổ phiếu được thực hiện bởi quy mô hoạt động ngày càng lớn, doanh nghiệp có tham vọng sở hữu 60.000 con lợn nái.

Tại cuộc họp, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) cho biết, doanh nghiệp sẽ kiên định với mục tiêu chiến lược xuyên suốt đến năm 2025 là tập trung nguồn lực phát triển các lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm cốt lõi theo chuỗi giá trị khép kín 3F (Feed – Farm – Food). Riêng năm 2024, theo Phó Tổng giám đốc DBC Phạm Văn Học, doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư và nhanh chóng đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất vaccine, nhà máy ép dầu thực vật giai đoạn II…

Năm 2024, DBC đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 25.380 tỷ đồng (bao gồm tiêu thụ nội bộ), tăng 14% so với kết quả thực hiện năm 2023; lợi nhuận sau thuế với 729,8 tỷ đồng, cao gấp 29 lần so với kết quả 25 tỷ đồng thực hiện năm 2023.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, toàn bộ lãi ròng chưa phân phối lũy kế tính đến thời điểm 31/12/2023 sẽ được bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề con giống, ông Nguyễn Như So – Chủ tịch HĐQT DBC cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khó khăn, dịch tả lợn châu Phi diễn ra, năm 2023 doanh nghiệp vẫn nhập khẩu gần 10.000 con giống.

Sang năm 2024, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục được dự báo với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát neo cao, chính sách tiền tệ tiếp tục được các ngân hàng trung ương thắt chặt. Do đó, nền kinh tế Việt Nam vừa có những thuận lợi, vừa chịu tác động tiêu cực kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế bên trong.

Hiện Dabaco phải nhập khẩu lợn giống với mức giá lên tới 8.000 USD/con đực giống và 5.200 USD/con cái giống. “Nếu năm ngoái chúng ta không mạnh dạn thì năm nay sẽ trắng tay,” ông So chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Năm 2024, DBC sẽ phát hành 12 triệu cổ phiếu ESOP (với giá 10.000 đồng/cp) và chào bán 80,6 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu (với giá chào bán 15.000 đồng/cp). Tổng số tiền thu được dự kiến từ hai đợt này là 1.330 tỷ đồng, dùng để đầu tư vào công ty TNHH Dầu thực vật Dabaco để thực hiện "Dự án đầu tư, xây dựng nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành Dabaco".

DBC cũng sẽ thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với số lượng dự kiến là 48,4 triệu cổ phiếu trong giai đoạn 2024 – 2025. Số tiền thu được từ phương án chào bán cổ phiếu trên sẽ được đầu tư vào khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao tại tỉnh Thanh Hóa (dự kiến 930 tỷ đồng) và trả nợ vay ngân hàng cho dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hóa (dự kiến 424 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Như So, việc phát hành cổ phiếu bởi quy mô hoạt động của DBC ngày càng lớn. Doanh nghiệp có tham vọng sở hữu hoàn toàn 60.000 con lợn nái. Hiện tại doanh nghiệp đang có trên 50.000 – xấp xỉ 60.000 con lợn nái, nhưng một phần trong đó là liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân.

Với các quy định của luật Chăn nuôi có hiệu lực từ năm 2025, việc liên kết giữa DBC và các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ hạn chế khi các yêu cầu về môi trường ngày càng cao, trong khi nông dân lại không đủ lực để đảm bảo các yêu cầu này, do đó doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn.

Luật Chăn nuôi ra đời từ năm 2018, có hiệu lực từ năm 2020 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư.

Theo quy định của luật, các địa phương có 5 năm kể từ khi luật có hiệu lực, tức từ ngày 1/1/2025 để thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp. Với quy định này, có thể sẽ có hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ phải di dời ra khỏi các khu vực dân cư hoặc ngừng hoạt động.

Tin liên quan

Đọc tiếp