PAN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. |
CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu đạt gần 3.380 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 690 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp tăng lên mức 20,4%, so với cùng kỳ đạt 19,5%.
Trong kỳ, công ty còn có thêm 121 tỷ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá (giảm nhẹ so với cùng kỳ); 2,6 tỷ đồng tiền lãi từ công ty liên doanh liên kết. Ngược lại, các loại chi phí gần 560 tỷ đồng, tăng 17%.
Kết quả, PAN lãi sau thuế 201 tỷ đồng, tăng 26% so với quý 2/2023; lãi ròng đạt 85 tỷ đồng, tăng 31%.
Lũy kế nửa đầu năm 2024, Tập đoàn PAN mang về 6.840 tỷ đồng doanh thu, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 370 tỷ đồng, tăng 41%.
Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu 14.780 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 882 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành 42% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong thông cáo báo chí về kết quả kinh doanh quý 2/2024, Tập đoàn PAN cho biết doanh thu các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi (gồm nông nghiệp, thuỷ sản, thực phẩm đóng gói) trong nửa đầu năm nay đều đạt mức tăng trưởng hai con số, dao động 28% - 30%.
Động lực của lĩnh vực thủy sản đến từ sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu cùng với tình hình lạm phát và sức mua được cải thiện tại các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu. Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu nông nghiệp tiếp tục đến từ CTCP Khử trùng Việt Nam VFC (mã VFG) với việc tiếp tục giành thêm thị phần thuốc bảo vệ thực vật. Còn ở lĩnh vực thực phẩm đóng gói, Bibica (mã BBC) đẩy mạnh kênh xuất khẩu và đây là yếu tố đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh.
Với nửa cuối năm 2024, PAN nhận định thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi, không chỉ ở đơn hàng mà cải thiện về giá, đi kèm với việc thu hoạch vụ tôm tự nuôi trong mùa cao điểm quý 3 và quý 4.
Về tình hình tài chính, doanh nghiệp có tổng tài sản trị giá hơn 23.300 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý 2/2024, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn và gia tăng mạnh nhất là chứng khoán kinh doanh, với 10.576 tỷ đồng - chiếm 45% tổng tài sản và tăng 3.900 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty không thuyết minh rõ các khoản đầu tư.
Ngoài ra, PAN còn có hơn 1.600 tỷ đồng tiền gửi, đầu tư tài chính ngắn hạn; 200 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn; hơn 260 tỷ đồng đầu tư vào Công ty TNHH Hải Yến kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại Khánh Hoà.
Các khoản mục tài sản lớn khác của PAN là phải thu khách hàng (hơn 1.300 tỷ đồng), hàng tồn kho (3.839 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng so với đầu năm và phải dự phòng giảm giá gần 70 tỷ đồng); bất động sản đầu tư (hơn 400 tỷ đồng).
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty gần 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng mạnh là vay ngắn hạn, từ gần 8.400 tỷ đồng lên gần 12.400 tỷ đồng, tức tăng 4.000 tỷ đồng. Công ty còn có hơn 400 tỷ đồng vay dài hạn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, PAN phải trả 165 tỷ đồng tiền lãi vay.
Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 8.369 tỷ đồng, gồm 2.163 tỷ đồng vốn cổ phần và gần 1.400 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Doanh thu giảm nhưng PAN Group vẫn đạt kỷ lục về lợi nhuận |
ĐHĐCĐ PAN Group: Trả cổ tức tiền mặt sau nhiều năm 'tri ân' bằng hiện vật |
Lãi ròng Tập đoàn PAN tăng gấp đôi cùng kỳ |