Đại biểu lo ngại việc lương tăng, giá cũng tăng

QUỐC HỘI Việt nAM
13:06 - 08/06/2023
Đại biểu Triệu Thị Huyền - đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Triệu Thị Huyền - đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tới tháng 7, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì giá cũng sẽ không thay đổi nhiều nhưng vẫn phải hết sức quan tâm để điều hành giá, hướng tới cuối năm 2023 chỉ số giá tiêu dùng CPI không vượt quá 4,5%.

Ngày 8/6, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Quốc hội dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan.

Đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng, đại biểu Triệu Thị Huyền - đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định về tăng lương cơ sở từ 1/7. Theo đó, giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới có thể tăng theo lộ trình giá thị trường.

Nữ đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát, tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá.

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết điều hành giá là nghệ thuật uyển chuyển trong điều kiện điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Việc điều hành, theo ông, phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa.

"Giải pháp điều hành giá phải uyển chuyển, căn cứ tín hiệu của thị trường, phải nắm bắt thị trường để có kịch bản điều hành", Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng, muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung - cầu vốn đã được Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, Phó Thủ tướng quán triệt với mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ để người dân hiểu được công tác điều hành giá của Chính phủ, tránh trường hợp lạm phát, tăng giá mà không kiểm soát được.

"Chúng tôi đã tính toán kỹ, tới tháng 7, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì giá cũng sẽ không thay đổi nhiều nhưng vẫn phải hết sức quan tâm để điều hành giá, để cuối năm 2023 chỉ số giá tiêu dùng CPI không vượt quá 4,5%", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Cũng tại phiên chất vấn, quan tâm đến vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đại biểu Nguyễn Danh Tú - đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra nhiều thách thức khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, yêu cầu đặt ra phải ứng phó hiệu quả các tác động tiêu cực, bảo đảm tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ta. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng hành động và giải pháp cho vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Tương tự, đại biểu Hà Sỹ Đồng - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng đặt vấn đề, triển vọng FDI vào Việt Nam không lạc quan khi luật thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024. Có chính sách không chính thức đang hình thành trên thực tế là nhà đầu tư quốc tế phân biệt, đối xử các quốc gia khiến các hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút FDI của Việt Nam bị suy giảm hiệu quả. Ông đề nghị Phó Thủ tướng nói rõ hơn về vấn đề này.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị
Đại biểu Hà Sỹ Đồng - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết tháng 6/2021, nhóm G7 đạt thỏa thuận về thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15% nộp ở nước sở tại. Đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, mức chênh lệch phải xử lý ở mặt bằng 15%.

Tháng 7/2021, G20 cũng thống nhất về thuế tối thiểu toàn cầu và 138 nước trong khối OECD đã đạt thỏa thuận khung liên quan đến nội dung này. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam tham gia thỏa thuận hợp tác quốc tế, đảm bảo hội nhập nhưng không bắt buộc.

Chính phủ, Quốc hội và bản thân Chủ tịch Quốc hội cũng rất quan tâm, đã tổ chức nhiều diễn đàn, có chỉ đạo sát sao về vấn đề này; thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá tác động. Thường trực Chính phủ đã họp, đề xuất Thủ tướng, trình Quốc hội có giải pháp sớm nhất về những chính sách thuế hội nhập sâu rộng. Trong đó, việc thu thuế phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp nhà đầu tư và hài hòa lợi ích của quốc gia.

"Đây là vấn đề thời sự, cần đánh giá khoa học, nghiêm túc, thực tiễn. Bởi khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến các cam kết thu hút đầu tư, nhất là về thuế. Vì vậy cần xử lý thận trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tất cả nhân tố tác động. Việc thu hút đầu tư FDI đang gặp khó khăn do bối cảnh chung. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp để thu hút FDI đạt hiệu quả cao nhất", Phó Thủ tướng khẳng định.

Đọc tiếp