Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội |
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội bày tỏ nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Theo đại biểu, dự kiến việc ban hành Nghị quyết này sẽ có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.
Vì vậy, để giảm thiểu những tác động bất lợi, đại biểu cho rằng, cùng với việc ban hành Nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội cần ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn.
Qua đó, đáp ứng cùng lúc hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh quan điểm, việc ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư, do họ phải nộp thuế bổ sung, vì điều này là vi phạm các nguyên tắc của OECD.
"Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không", đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, các lĩnh vực, dự án cần ưu tiên thu hút như: Lĩnh vực công nghệ cao thân thiện với môi trường; hoạt động nghiên cứu phát triển; lĩnh vực năng lượng tái tạo; các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao và có quy mô lớn... nhắm tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.
Trong khi chưa ban hành được nghị quyết hoặc chưa điều chỉnh pháp luật liên quan, đại biểu đề nghị Quốc hội khẳng định trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 là sẽ ban hành chính sách hỗ trợ theo các nội dung định hướng như trên để có thể làm yên lòng các nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời giao Chính phủ tích cực chuẩn bị để Quốc hội có thể ban hành nghị quyết về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. |
Việt Nam có thể thu được 14.600 tỷ đồng tiền thuế tối thiểu toàn cầu
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thì nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp ngân sách thu được 14.600 tỷ tiền thuế từ 122 tập đoàn, tránh cạnh tranh không công bằng, ưu đãi quá mức cho các doanh nghiệp cơ sở của các tập đoàn đa quốc gia.
Đồng thời, việc ban hành Nghị quyết kịp thời cũng là một hình thức giúp cho các nước OECD giữ chân được các nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho chính nước của họ, qua đó, Việt Nam cũng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.
Tuy nhiên, theo đại biểu Huân song song với việc ban hành Nghị quyết này, cần nhìn nhận được rủi ro về việc Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các nhà đầu tư FDI để có các chính sách hỗ trợ bổ sung.
Đại biểu Huân kiến nghị bên cạnh việc cần sớm đánh giá toàn diện tác động, Chính phủ cũng nên nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, trong đó nên nhấn mạnh chính sách phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ.
"Bởi vì công nghiệp hỗ trợ chính là điều giữ chân các doanh nghiệp FDI tốt nhất và Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn", đại biểu Huân nhìn nhận.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM. |
Đầu tư nhiều hơn phát triển hạ tầng giao thông, giảm chi phí sản xuất kinh doanh
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành nghị quyết sẽ giúp môi trường thu hút đầu tư nước ngoài trên toàn cầu đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa các quốc gia.
Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nâng cao hệ thống hạ tầng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quốc gia, cần tiếp tục đầu tư nhiều nữa cho hạ tầng về giao thông góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh.
Hỗ trợ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nên có đầu mối hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính – điều mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất lo ngại.
Cùng với đó, xem xét có chính sách ưu đãi nhất là vấn đề về hỗ trợ tài chính trực tiếp như nội dung được đề cập trong nghị quyết 98 của TP HCM với 3 ưu đãi, có thể cho phép áp dụng các ưu đãi này trên toàn quốc.