Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long trả lời tại họp báo. Ảnh: VGP |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động liên hệ với đại diện pháp lý của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Cụ thể là yêu cầu Temu khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam trong tháng 11/2024. Trong thời gian triển khai các biện pháp đăng ký, phải có thông báo chính thức trên các ứng dụng di động, trang chủ website... thông báo tới người tiêu dùng Việt Nam biết sàn thương mại điện tử này đang thực hiện các thủ tục đăng ký, chưa được Bộ Công Thương cấp phép cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Temu cũng phải dừng tất cả các hoạt động xúc tiến thương mại, marketing không tuân thủ pháp luật Việt Nam để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Khẩn trương nghiên cứu các hoạt động khác có liên quan, không chỉ với các hoạt động thương mại điện tử mà còn các quy định về an toàn bảo mật thông tin, thuế, hải quan và các nội dung liên quan khác…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, với các yêu cầu nêu trên, sàn thương mại điện tử Temu đang triển khai thực hiện và trong tháng 11/2024 sẽ phải hoàn tất việc đăng ký với Bộ Công Thương.
Đối với Shein, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật và phải hoàn tất việc đăng ký trong tháng 11/2024.
Sau các cảnh báo, nhắc nhở triển khai, nếu Temu và Shein không tuân thủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kỹ thuật như chặn việc tải các ứng dụng, chặn tên miền, hoặc tạm dừng thông quan hàng hóa…
Trong quá trình thực hiện, Bộ đã cùng với các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện các biện pháp: Tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử; tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng...
Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ triển khai, rà soát các quy định pháp lý có liên quan, kiến nghị, nghiên cứu các biện pháp để hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thời gian tới.
Temu đã đăng ký nộp thuế tại Việt Nam
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn. Ảnh: VGP |
Liên quan đến nghĩa vụ thuế, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đến hiện tại, đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài với số thu lũy kế là 20.174 tỷ đồng và tính riêng trong năm 2024 số thu này là 8.600 tỷ đồng, tăng 25,7% so với bình quân của 10 tháng năm 2023.
Về Temu, ngày 4/9/2024, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd - chủ sở hữu của sàn TMĐT Temu ở Việt Nam, đã thực hiện đăng ký thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Ngày 30/10/2024, công ty này đã kê khai tờ khai thuế quý III/2024, trong đó đang kê khai doanh thu bằng 0 và kèm theo giải trình là doanh thu phát sinh trong tháng 10 sẽ được khai toàn bộ vào tờ khai quý IV/2024.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế thực hiện giám sát chặt chẽ việc kê khai doanh thu của Temu quý IV/2024 và hạn nộp theo quy định pháp luật quản lý thuế là 30/1/2025, đảm bảo thu ngân sách Nhà nước đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Đối với những người bán hàng, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT nói chung, để hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế. Trong đó, quy định trách nhiệm của tổ chức là nhà quản lý các sàn TMĐT (bao gồm các sàn TMĐT trong nước và nước ngoài) có chức năng thanh toán phải khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.