Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Bộ Tài chính. |
Chiều 18/6, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2024 để cung cấp thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước nửa đầu năm và định hướng triển khai cuối năm 2024.
Phát biểu tại họp báo, liên quan đến quản lý thị trường vàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng luôn chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Ngành thuế thời gian qua đã đẩy mạnh quản lý trong lĩnh vực này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.
Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Bộ Tài chính đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng.
Liên quan đến đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng để kiểm soát đầu cơ, thao túng giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá tác động với đề xuất này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt khác. Do đó, Bộ Tài chính sẽ có đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Như Mekong ASEAN đưa tin trước đó, tại cuộc họp trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, GS.TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đề xuất việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những người mua vàng với mục đích đầu cơ, thao túng giá.
Giải pháp trên cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó, việc áp thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
"Để quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp căn cơ, quan tâm đầy đủ đến xây dựng biện pháp quản lý vàng, phải học tập kinh nghiệm các nước. Quản lý bằng thuế hiện là quan trọng nhất, một số nước bằng quota, hoặc chống độc quyền hạn chế cạnh tranh, gian lận thương mại," TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
Toàn cảnh họp báo thường kỳ quý II/2024 Bộ Tài chính. Ảnh: Kiều Chinh - Mekong ASEAN |
Thu ngân sách tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ
Cũng tại họp báo, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động khó lường, Bộ Tài chính đã vượt khó, chủ động, linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thu ngân sách Nhà nước đạt khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 15/6/2024 đạt khoảng 946,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách Nhà nước ước đạt 719,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34% dự toán.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân có quy mô khoảng 68 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành thông tư theo trình tự thủ tục rút gọn, dự kiến sẽ giảm 36 loại phí, lệ phí.
Công tác quản lý nợ công được kiểm soát chặt chẽ. Các chỉ tiêu nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu đề xuất và tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp về quản lý, điều hành giá, nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.