Nhà máy sản xuất của KIDO. |
Tập đoàn KIDO (mã chứng khoán KDC) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần đạt 10.501 tỷ đồng và lợi nhuận gộp thu về 2.054 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý 4/2021, doanh thu thuần của KDC đã đạt 3.057 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng; lần lượt tăng 30,5% và 154% so với cùng kỳ.
Sau khi khấu trừ chi phí, tính chung cả năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của KDC đạt 681 tỷ đồng. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 648 tỷ đồng.
Hồi đầu năm 2021, KDC đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 11.500 tỷ đồng và 800 tỷ đồng, tương ứng tăng 38% và 91,5% so với năm 2020. Như vậy, KIDO mới chỉ hoàn thành 91% kế hoạch doanh thu và 85% kế hoạch lợi nhuận.
Cụ thể, kết quả kinh doanh của các đơn vị thành viên KIDO trong năm 2021 như sau:
Công ty mẹ KDC: Doanh thu thuần đạt 11.509 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 524 tỷ đồng; lần lượt tăng 270% và 55% so với 2020.
Dầu thực vật Tường An (TAC): Doanh thu thuần cả năm đạt 6.294 tỷ đồng, tăng 20% so với 2020 và vượt 20% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch năm.
Vocarimex (VOC): Doanh thu thuần đạt 1.496 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch năm dù giảm 42% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 120 tỷ đồng, tương đương 210% kế hoạch năm.
KIDO Nhà Bè: Doanh thu thuần đạt 1.608 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 35,5 tỷ đồng; tăng 36% so với năm trước.
Diễn biến kinh doanh của KIDO, trong đó lợi nhuận năm 2015 tăng vọt là do bán mảng bánh kẹo.
Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng của KIDO, đặc biệt trong quý 4/2021 là do thị trường sôi động trở lại sau những đợt giãn cách kéo dài. Tập đoàn cũng liên tục tung ra các sản phẩm mới để thu hút người tiêu dùng. Đáng chú ý nhất là sự trở lại của KIDO trên thị trường bánh kẹo sau 6 năm vắng bóng và mở loạt cửa hàng Offline trực thuộc chuỗi F&B Chuk Chuk vào chuỗi trung tâm thương mại GO!, Big C và Tops Market.
Liên quan đến chuỗi F&B Chuk Chuk, ngày 12/12/2021, KIDO và Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược, nhằm hợp tác phát triển mảng bán lẻ với chuỗi F&B Chuk Chuk, thuộc các hệ thống của Central Retail tại Việt Nam. Trong các giai đoạn tiếp theo của hợp tác, hai bên kỳ vọng đưa Chuk Chuk cũng như các sản phẩm thiết yếu của KIDO qua thị trường Thái Lan và các nước khác trong khu vực.
Tại Việt Nam, Central Retail Việt Nam đang sở hữu danh mục thương hiệu bán lẻ đa dạng với hơn 290 cửa hàng, 39 trung tâm thương mại đặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Điển hình như GO! Mall, Tops Market, Hello Beauty, Look Kool, Big C, Robins, Bip Bip, Kubo, Nguyễn Kim, Lanchi Mart…
Năm 2021, KIDO còn ghi nhận thành quả nữa là đấu giá thành công trọn lô 44,22 triệu cổ phiếu VOC của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo đó, sau 3 lần bất thành, SCIC đã thoái vốn thành công và không còn là cổ đông lớn của Vocarimex. Trong khi đó, KDC nâng sở hữu tại VOC từ 51% lên 87,29%, tương đương khối lượng cổ phiếu đang nắm giữ là 106,33 triệu đơn vị.
Trong đợt chia cổ tức năm 2021 của Vocarimex, KIDO đã thu về khoảng 127,6 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VOC ghi nhận chuỗi tăng nóng từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 12 với thị giá đạt đỉnh lên tới 37.000 đồng. Trước đó, trong giai đoạn 2019-2020, cổ phiếu này chỉ ở ngưỡng trên dưới 13.000 đồng. Từ cuối tháng 12 đến nay, VOC lại bước vào giai đoạn thoái trào với nhiều phiên giảm mạnh. Ghi nhận tại phiên sáng 20/1, mã của Vocarimex chỉ còn 26.500 đồng.
Còn cổ phiếu của công ty mẹ KIDO cũng có 1 năm tăng trưởng ổn định. Hồi đầu năm 2021, KDC ở mức giá 40.000 đồng, sau đó tăng dần đều và đạt đỉnh 58.000 đồng trong phiên 30/11. Thời kỳ đỉnh cao năm 2014, KDC cũng mới chỉ đạt mức giá 56.000 đồng. Trong phiên sáng 20/1, mã chứng khoán của KIDO đang giao dịch với giá 53.900 đồng/cổ phiếu.
KIDO tiền thân là Công ty cổ phần Kinh Đô Kinh Đô - thương hiệu bánh kẹo do hai anh em doanh nhân Trần Lệ Nguyên - Trần Kim Thành sáng lập từ năm 1993. Trong 20 năm phát triển, Kinh Đô rất thành công với các sản phẩm như bánh quy Cosy, bánh bông lan Solite, bánh quy giòn AFC hay bánh quy Oreo… Cuối năm 2014, Kinh Đô bất ngờ thông báo bán 80% mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International (Mỹ) với giá 370 triệu USD (7.846 tỷ đồng). Sau đó, anh em ông Trần Kim Thành tiếp tục bán nốt 20% cổ phần vào tháng 7/2015. Khi thương vụ kết thúc, phía Mondelēz International đã đổi tên thương hiệu Kinh Đô thành Mondelez Kinh Đô. Còn Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO vào tháng 10/2015. Từ bánh kẹo, KIDO chuyển sang đầu tư vào một số ngành hàng khác theo chiến lược "thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu (Food & Flavor)". Ngoài ra, Tập đoàn còn lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán. |