Doanh nghiệp có thể cải thiện giảm phát thải ròng thông qua cơ chế mua – bán tín chỉ carbon. Ảnh minh họa. |
80% doanh nghiệp Việt Nam cam kết thực hành ESG
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Phương Nam, CEO Công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova khẳng định, khu vực tư nhân có vai trò góp phần bổ sung vào nguồn vốn thiếu hụt cho tài chính xanh, tài chính khí hậu.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2022 – 2040 đối với khu vực tư nhân là khoảng 184 tỷ USD, chiếm 3 - 4% GDP/năm.
“Tài chính công không đủ cho các mục tiêu về thích ứng và giảm nhẹ. Theo lý thuyết và thực tiễn ở các nước đang phát triển cho thấy, khu vực tư nhân chiếm khoảng 60% đầu tư toàn cầu liên quan đến vấn đề khí hậu”, ông Nam phân tích.
Do đó, TS. Nguyễn Phương Nam cho rằng, việc đầu tư có trách nhiệm để phát triển bền vững của khối tư nhân cần đẩy mạnh, thông qua các hình thức: Cho vay xanh, trái phiếu xanh và thị trường carbon.
Theo khảo sát của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), thực hành tiêu chuẩn ESG (tiêu chuẩn bền vững: Môi trường – xã hội – quản trị) ở Việt Nam đã ghi nhận 80% doanh nghiệp cam kết có kế hoạch triển khai sớm.
“Chúng ta đang ở thời kỳ dễ dàng bắt gặp những doanh nghiệp sẵn sàng từ chối hợp tác khi không có các chứng chỉ ESG. Điều đó cho thấy sự nhận thức của các doanh nghiệp đã ngày càng tăng lên”, ông Nam nói thêm.
Cùng quan điểm với ông Nam, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV chỉ ra, sự chuyển đổi nằm ở tư duy của người lãnh đạo, nếu như chủ lãnh đạo doanh nghiệp/hiệp hội không hiểu được sự cấp thiết chuyển đổi thì việc thay đổi sẽ còn nhiều khó khăn.
Theo bà Thủy, khi các doanh nghiệp không tự mình cải thiện được, có thể kết hợp với các cơ chế hỗ trợ quốc tế và trong nước, đặc biệt là cơ chế mua – bán tín chỉ carbon.
“Đây là sự nhận thức của các ngành hàng, có thể trao đổi giữa bên dư tín chỉ carbon (bán) và thiếu tín chỉ carbon (mua)”, bà Thủy phân tích.
Hội thảo “Lộ trình chuyển đổi xanh và những điều doanh nghiệp cần biết”, chiều 14/4. |
Việt Nam sẽ thí điểm vận hành thị trường carbon từ 2025
Làm rõ hơn về tình hình tín chỉ carbon trên thị trường thế giới, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trend cho biết, các công cụ xây dựng thị trường carbon tự nguyện hầu như mới chỉ tồn tại ở các nước phát triển và còn vắng bóng ở các thị trường đang phát triển.
Trong năm 2022, giá tín chỉ carbon thực tế có nhiều mức khác nhau phụ thuộc các quốc gia, loại hình khác nhau. Hiện thụy Sĩ có giá tín chỉ carbon cao nhất, thu thập dựa trên công cụ thuế.
Mức giá tín chỉ carbon thế giới đang có chiều hướng gia tăng. “Tuy nhiên, mức tăng này có đủ để đạt đến mức đưa quy mô phát thải ròng về 0 vào 2050 không lại là câu hỏi đáng quan tâm của các quốc gia”, ông Phúc nêu vấn đề.
Theo TS. Tô Xuân Phúc, hiện thị trường carbon bắt buộc chiếm đến 899 tỷ USD, trong khi thị trường carbon tự nguyện chỉ chiếm 2 tỷ USD, nhưng thị trường carbon tự nguyện đang phát triển nhanh về quy mô những năm gần đây.
Từ năm 2010 – 2019, quy mô thị trường carbon tự nguyện tăng từ 25 - 50%. Riêng năm 2022, tăng 22 - 26%. Mức giá tín chỉ carbon tăng 20% so với năm 2021.
Ở Việt Nam, từ 2025 – 2027 là giai đoạn thành lập, tổ chức và vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon; từ năm 2028 – 2030 là giai đoạn tổ chức vận hành sàn giao dịch.
"Chính phủ quy định các lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính gồm: Năng lượng, giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông – lâm nghiệp, chất thải. Điều đó cho thấy, sự cần thiết của việc đầu tư tín chỉ carbon và xây dựng thị trường carbon của các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi xanh hiện nay", ông Phúc chỉ ra.
Xu hướng ESG toàn cầu
Mạng lưới đầu tư có trách nhiệm (PRI): 4.000 quỹ đầu tư; 121,3 nghìn tỷ USD
Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Bền vững (SASB): 258 quỹ đầu tư; 76 nghìn tỷ USD
Nhóm làm việc về minh bạch thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD): 3.000 quỹ đầu tư; 194 nghìn tỷ USD
Tổ chức Dự án công khai tác động của khí thải Carbon (CDP): 529 quỹ đầu tư; 96 nghìn tỷ USD