Trung tâm Hội nghị Davos tại khu nghỉ mát Alpine của Davos, Thụy Sĩ là nơi tổ chức các cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ảnh: Reuters |
Theo Reuters trích dẫn kết quả khảo sát của WEF được công bố hôm 16/1 tại Davos, có tới 2/3 các nhà kinh tế trưởng thuộc các công ty trong lĩnh vực công và tư nhân đưa ra dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu trong năm 2023. Trong số đó, có 18% cho rằng viễn cảnh suy thoái là “cực kỳ có khả năng xảy ra” – tỷ lệ cao hơn gấp đôi so với cuộc khảo sát trước đó hồi tháng 9/2022 của tổ chức này.
Khảo sát của WEF cũng cho thấy có sự khác biệt lớn giữa các khu vực. Nhiều chuyên gia đưa ra kỳ vọng tỷ lệ lạm phát năm 2023 dao động quanh mức 5% đối với Trung Quốc đến 57% đối với châu Âu do khu vực này chịu tác động của việc giá năng lượng tăng.
Cuộc khảo sát của WEF bao gồm 22 hồi đáp từ một nhóm các nhà kinh tế cấp cao đến từ các tổ chức quốc tế bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng đầu tư, các công ty đa quốc gia và các tập đoàn tái bảo hiểm.
Nhận định về kết quả này, giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết: "Môi trường lạm phát cao, tăng trưởng thấp, nợ cao và tình trạng phân hóa cao hiện nay làm giảm động lực cho các khoản đầu tư cần thiết để phục hồi tăng trưởng và nâng cao mức sống cho phần dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.
Mặt khác, một cuộc khảo sát về thái độ của các giám đốc điều hành do PwC công bố tại Davos hôm 16/1 cũng cho thấy các phản ứng ảm đạm nhất kể khi bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới bắt đầu thực hiện khảo sát cách đây 1 thập kỷ. Điều này cũng khiến triển vọng cho năm 2023 thay đổi lớn so với các dự đoán lạc quan vào năm 2021 và 2022 trước đó.
Nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất, chiến sự chưa dứt tại Nga – Ukraine cùng việc các động cơ kinh tế lớn của thế giới là Trung Quốc và EU đều ghi nhận sự sụt giảm kinh tế đáng kể chính là các nguyên nhân lớn nhất khiến dự báo tăng trưởng thế giới u ám.
Theo ông Yuvraj Narayan, phó giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của công ty hậu cần toàn cầu DP World có trụ sở tại Dubai, tình hình hiện tại thể hiện rõ thế giới đang chịu quá nhiều hạn chế tới từ nhu cầu thị trường giảm mạnh, hàng tồn kho không được giải phóng hết trong khi các đơn đặt hàng không được thực hiện. Điều này cũng tương đương với việc nền kinh tế toàn cầu không còn lưu thông tự do. Trừ khi tìm được giải pháp thích hợp, tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa.
Một khi cơn bão suy thoái kinh tế quét qua, rất ít lĩnh vực có thể duy trì trạng thái không chịu tác động. Khảo sát của PwC cho thấy niềm tin của các công ty vào triển vọng tăng trưởng của mình giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008.
Tác động thực tế của suy thoái kinh tế có lẽ được thể hiện rõ ràng nhất trong các nỗ lực giải quyết tình trạng đói nghèo toàn cầu. Do các nhà tài trợ bắt đầu cảm thấy tình hình kinh tế khó khăn, ngân sách viện trợ của nhiều tổ chức nhân đạo đang bị cắt giảm theo ông Peter Sands, giám đốc điều hành của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tại Davos 2023.
Điều khác biệt duy nhất có lẽ là phần lớn các CEO không có kế hoạch cắt giảm quy mô lực lượng lao động trong 12 tháng tới hoặc cắt giảm thù lao do muốn giữ chân nhân tài. Chủ tịch toàn cầu của PwC, Bob Moritz, cho biết các công ty đang tìm kiếm phương pháp cắt giảm chi phí mà không cần tới sự thay đổi nguồn nhân lực.